Chúa Tiên – Nguyễn Hoàng (Phần 1)
Xuất thân: Nguyễn Hoàng sinh năm 1525, người trang Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa (tỉnh Thanh Hóa ngày nay); là con thứ của Thái sư Thượng phụ Hưng Quốc công Nguyễn Kim.
Nguyễn Hoàng theo cha đánh giặc từ khi còn trẻ tuổi, lập nhiều công lao trong công cuộc trung hưng nhà Lê nên được vua Lê Trang Tông phong tước Hạ Khê hầu. Về sau, thời vua Lê Thế Tông được phong lên Đoan Quốc công.
Vị thế: là vị chúa thứ Nhất của xứ Đàng Trong thuộc Đại Việt; vì có tấm lòng nhân hậu, yêu thương dân nên về sau được gọi là chúa Tiên (Tiên trong từ Thần Tiên).
Biến cố mất cha: Năm 1545, Hưng Quốc công Nguyễn Kim trong công cuộc diệt Mạc phù Lê, bị một tên hàng tướng của nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc bằng cách ngầm bỏ thuốc vào trong quả dưa. Hưng Quốc công đột ngột qua đời là thủ đoạn của kẻ tiểu nhân; nhưng sự ra đi này lại chính là mầm mống của cuộc nội chiến về sau kéo dài gần 200 năm, thời kỳ mà sử Việt gọi là Trịnh – Nguyễn phân tranh. Bởi vì:
Hưng Quốc công Nguyễn Kim trong công cuộc trung hưng nhà Lê, thấy Trịnh Kiểm là người có sức khỏe, tài năng nên đem con gái là Ngọc Bảo gả cho Trịnh Kiểm.
Sau cái chết của cha vợ là Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm muốn đoạt binh quyền nên đã tìm cách ám hại Nguyễn Uông – con trưởng của Nguyễn Kim. Còn người con thứ của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng dù tài năng nhưng bấy giờ chỉ mới 20 tuổi, không thể nào là một đối trọng thực thụ khi so với một Trịnh Kiểm vừa già dặn cả trận mạc lẫn tuổi đời. Do đó thời điểm sau cái chết của cha và anh, là khoảng thời gian mà Nguyễn Hoàng phải sống trong sự lo âu sợ hãi dưới cái bóng quá lớn của anh rể Trịnh Kiểm.
Năm 1558: Sau khi xin ý và được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mách bảo qua câu nói nổi tiếng “Hoành Sơn nhất đái – Vạn đại dung thân”, Nguyễn Hoàng đã nhờ chị gái Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho vào vùng Thuận Hóa trấn giữ. Được Trịnh Kiểm đồng ý, ông đem gia quyến cùng tùy tùng xuôi thuyền vượt biển vào Nam dựng dinh Ái Tử tại huyện Đăng Xương (thuộc Quảng Trị ngày nay) với mục đích ban đầu là thoát khỏi sự kìm kẹp của anh rể Trịnh Kiểm.
Phù nhà Lê: Để thể hiện sự tôn phò nhà Lê cũng như tránh sự nghi ngờ của Trịnh Kiểm, năm 1569 Nguyễn Hoàng đem các khoản cống nộp ra Thanh Hóa chầu vua Lê; qua năm sau được vua Lê giao cho trấn thủ luôn xứ Quảng Nam. Từ đó Nguyễn Hoàng cai quản đất đai một vùng rộng lớn và ông giữ lệ cống nạp đều đặn về triều đình nhà Lê.
Bị cầm chân trên đất Bắc: Bấy giờ Trịnh Kiểm đã qua đời do tuổi cao sức yếu, để lại cơ nghiệp họ Trịnh cho con trai là Trịnh Tùng. Năm 1593, Trịnh Tùng đánh thắng quân Mạc, lấy lại Đông Kinh (kinh thành Thăng Long). Nguyễn Hoàng nghe tin Lê – Trịnh đại thắng nên cùng ba con trai và tướng sĩ đem rất nhiều vật phẩm quý giá từ phương Nam và sổ sách của hai trấn Thuận Hóa, Quảng Nam về dâng nộp. Triều đình Lê – Trịnh gia phong Nguyễn Hoàng làm Tả Đô đốc Trung quân, Thái úy Đoan Quốc công và sai đi đánh các thế lực tàn dư họ Mạc.
Lúc này Trịnh Tùng đã nhận ra thế lực lớn mạnh của Nguyễn Hoàng nên tìm cách giữ ông lại bằng cách hễ cứ Nguyễn Hoàng dẹp yên được chỗ này thì Trịnh Tùng lại giao ông đem binh đi đánh giặc ở chỗ khác. Cứ thế Đoan Quốc Công bị Trịnh Tùng điều khiển sai đi đánh giặc bảy tám năm liền mà vẫn chưa thấy dấu hiệu ngưng nghỉ.
Nhận thấy tàn dư họ Mạc lợi dụng địa thế hiểm trở, được các tộc người thiểu số vùng trung du che chở nên cũng khó bề dập tắt hẳn trong ngày một ngày hai; bản thân Đoan Quốc công giờ thì tuổi cũng đã ngoài bảy mươi nên ông nóng lòng được trở về phương Nam yêu quý.
Vậy thì bằng cách nào mà Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng có thể trở về phương nam xa xôi cách trở khi mà một Trịnh Tùng gian hùng đã sai người canh phòng tại các chốt chặn hiểm yếu?
Hết phần 1.
Nghe Audio trên Youtube: