Chúa Tiên – Nguyễn Hoàng (Phần 2)

Tiếp theo Phần 1

Rút hẳn về Nam:

   Năm 1600, nhân lúc các tướng nhà Lê là Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê vì thấy Trịnh Tùng ngày càng kiêu căng hống hách nên đã nổi lên chống đối ở vùng Sơn Nam đánh phá cửa Đại An (nay thuộc Nam Định). Vì cớ đó, Nguyễn Hoàng bèn tâu xin triều đình Lê – Trịnh cho đem quân đi dẹp giặc phản loạn, lưu con trai và một cháu nội ở lại làm con tin. Nhưng một mặt, Nguyễn Hoàng ngầm sai người ước hẹn với quân Ngạn – Nga – Khuê rằng ông sẽ đốt bỏ hết doanh trại và triệt thoái về phương Nam, chỉ xin chừa lại vài chiếc thuyền, mượn đường thoát đi. Thế là hai bên chẳng phải dụng binh đao mà cùng được việc. Nguyễn Hoàng về lại Thuận Hóa ở hẳn 13 năm liền cho tới khi già yếu qua đời. Trong thời gian ấy, ông ra sức xây dựng lực lượng, bảo vệ mở mang bờ cõi quyết “rạch đôi sơn hà” cùng chúa Trịnh.

   Về phía Trịnh Tùng khi hay tin Nguyễn Hoàng đã bỏ về Nam thì vô cùng tức giận nhưng vì Trịnh Tùng là con bà Ngọc Bảo chị ruột Nguyễn Hoàng nên Trịnh Tùng cũng chỉ biết trách mắng con cháu Nguyễn Hoàng và tướng giữ vùng Sơn Nam là Hoàng Đình Ái. Sau đó Trịnh Tùng gửi thư đòi Nguyễn Hoàng chở thóc lúa cùng sản vật ra Bắc cống nộp chuộc tội. Khi nhận thư của Trịnh Tùng, Nguyễn Hoàng muốn chối bỏ bằng cách gây hỏa hoạn nhưng bất thành; để xoa dịu tình hình Nguyễn Hoàng đem con gái là Ngọc Tú gả cho con của Trịnh Tùng là Trịnh Tráng. Bây giờ cậu – cháu trở thành sui gia thì mọi việc mới trở nên hòa dịu… Tuy nhiên đó chỉ là hình thức bề ngoài, còn bên trong thì lo xây dựng, phát triển lực lượng để phòng bị và kình chống nhau.

Việc Chiêm Thành: Biên giới phía Nam của Đại Việt lúc này đã tới tận cùng của tỉnh Phú Yên ngày nay. Vì trước đó khoảng 100 năm, tức năm 1471 vua Hậu Lê là Thánh tông Lê Tư Thành đã chọn lấy ngọn Thạch Bi Sơn (núi Đá Bia – giáp ranh hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) làm mốc đánh dấu, phân chia lãnh thổ giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Tuy nhiên do vùng này xa xôi hiểm trở nên khi Nguyễn Hoàng mới vào trấn giữ Thuận Hóa, rồi sau đó được giao trấn giữ luôn Quảng Nam thì vùng đất tận cùng phía nam Đại Việt này vẫn còn nhiều bất ổn, chưa hẳn do người Việt cai quản.

Do đó năm 1578 khi quân Chiêm Thành nổi lên chống phá ở cửa Đà Diễn (phía Nam tỉnh Phú Yên) thì Nguyễn Hoàng mới sai Lương Văn Chánh đem binh từ Tuy Viễn (thuộc tỉnh Bình Định) kéo vào đánh dẹp. Gần hai mươi năm sau, tức năm 1597 tuy lúc này còn bận đánh Mạc và bị Trịnh Tùng cầm chân trên đất Bắc nhưng Nguyễn Hoàng đã lệnh cho Tri huyện Tuy Viễn là Lương Văn Chánh dẫn khoảng 4000 lưu dân vào khai khẩn và lập nên các thôn xóm đầu tiên trên các vùng đất phía Nam thuộc tỉnh Phú Yên ngày nay. Đến năm 1611, quân Chiêm Thành lại quấy nhiễu vùng đất biên ải nên lại là Lương Văn Chánh thừa lệnh Nguyễn Hoàng đem binh dập tắt hoàn toàn và lập ra phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.

Như vậy từ lúc Lê Thánh Tông xác định lãnh thổ phía nam Đại Việt tại Thạch Bi Sơn năm 1471 đến khi hoàn toàn làm chủ và lập ra tỉnh Phú Yên năm 1611 là quãng thời gian hơn trăm năm đầy biến động ở vùng đất biên ải. Riêng tỉnh Phú Yên thì lấy năm 1611 là năm thành lập và tôn Lương Văn Chánh là Thành hoàng.

Nguyễn Hoàng - Tiên Chúa.
Nguyễn Hoàng – Tiên Chúa.

Cuối đời: Ở trường hợp của Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng, một cách chủ quan có thể nói Trời đã lấy đi người cha anh hùng và người anh cả Nguyễn Uông đầy tiềm năng, nhưng bù lại Trời đã ban cho ông Tài năng, Đức độ và tuổi thọ rất cao so với đại đa số các bậc quân vương trong suốt chiều dài lịch sử nước ta. 

Nguyễn Hoàng có nhiều con trai, nhưng vì nhiều lý do mà chủ yếu là do chết trận trong công cuộc “bình Nam dẹp Bắc” nên trước giờ phút lâm chung, Đoan Quốc công cho gọi người con thứ Sáu đang trấn thủ ở Quảng Nam là Nguyễn Phúc Nguyên về dinh mà căn dặn:

“Nếu Bắc tiến được thì tốt, bằng không hãy giữ vững đất Thuận Quảng và mở mang bờ cõi về phía nam. Đất Thuận Quảng này phía Bắc có núi Hoành Sơn và sông Linh Giang (sông Gianh) hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và Thạch Bi bền vững. Núi có sẵn vàng sắt; biển có cá muối. Thật là đất của người anh hùng dụng võ. Vậy con phải biết thương yêu dân, chăm lo luyện tập binh sĩ thì có thể giữ vững cơ nghiệp đến muôn đời.”

   Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng mất năm 1613, thọ 89 tuổi. Ông trấn thủ đất Thuận Quảng (Thuận Hóa và Quảng Nam) 55 năm, trong đó có 13 năm cuối đời ông xây dựng nơi đây như một cơ ngơi riêng biệt, quyết “rạch đôi sơn hà” cùng chúa Trịnh.

Hết!

Xem lại Phần 1.

Nghe Audio trên Youtube: