Thái tổ Mạc Đăng Dung (Phần 2)

Tiếp theo phần 1.

Lên ngôi: Năm 1527, sau khi ép Cung Hoàng đế Lê Xuân cùng Thái hậu phải chết rồi thì Mạc Đăng Dung tự lập làm vua, khai sinh nhà Mạc; đổi niên hiệu Minh Đức, lập con trưởng là Mạc Đăng Doanh làm Thái tử, ban lệnh đại xá thiên hạ…

Bấy giờ ngoài kinh thành Thăng Long là kinh đô được tiếp quản từ triều đại trước, thì Mạc Đăng Dung cho xây thêm cung điện ở quê hương Cổ Trai, Hải Dương, gọi là Dương Kinh – có vai trò hậu phương giống như phủ Thiên Trường thời nhà Trần, hay Tây kinh (thành nhà Hồ) ở cuối thời Trần đầu nhà Hồ vậy.

Một mặt vua Mạc sai người sang nhà Minh dâng biểu nói dối rằng nhà Lê đến nay sa sút, không còn người thừa tự nên tạm thời thay thế họ Lê trông coi việc nước. Vua nhà Minh không tin, sai sứ sang nước ta dò xét thực hư. Nhưng vì Mạc Đăng Dung đoán trước sự việc nên đã dùng của cải đút lót cho bọn quan lại nhà Minh, thành ra vua Mạc mới được một phần yên ổn!

Thái tổ Mạc Đăng Dung
Thái tổ Mạc Đăng Dung.

Cai trị: Mạc Đăng Dung tuy cướp ngôi nhà Lê nhưng ông không lập tức xóa bỏ hay thay đổi các chính sách cai trị cốt yếu của nhà Lê. Có lẽ bài học về hệ quả của việc cướp ngôi từ Hồ Quý Ly cách đó không lâu, cũng như việc tại vị chỉ vỏn vẹn trong vòng 3 năm nên những cải cách lớn mang tính bước ngoặt thời đại đã không xảy ra ở thời Mạc Đăng Dung làm vua. Cho nên khi nghĩ về Mạc Đăng Dung thì lạ đời thay, những sự kiện chính nổi bật gắn liền tên tuổi Mạc Đăng Dung đến từ lúc trước và sau khi ông tự xưng và làm vua triều Mạc.

Nhường ngôi: Ở triều đại Hậu Lê thì không có lệ nhường ngôi để làm Thái Thượng hoàng như triều Trần đã làm trước đó. Tuy nhiên có lẽ lúc này lòng dân chưa thuận, cũng như sức ép không ngừng gia tăng từ phía Đại Minh bên Trung Hoa cho nên Mạc Đăng Dung đã nhường ngôi cho con là Thái tử Mạc Đăng Doanh vào năm 1529, còn mình thì lui về Dương Kinh làm Thái Thượng hoàng; nhưng mọi việc hệ trọng vẫn do Mạc Đăng Dung quyết đoán.

Chầu sứ nhà Minh: Đến nay, sự việc gây tranh cãi nhất của Mạc Đăng Dung ấy chính là việc tự hạ mình ra nơi biên cương, chịu nhục trước sứ thần nhà Minh để nộp sổ sách và cắt đất đổi lấy sự yên bình cho bản thân cũng như cho vương triều Mạc.

   Bấy giờ nhà Hậu Lê đã được trung hưng ở Thanh Hóa – là nơi quê hương đất tổ, bởi các bề tôi cũ dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Kim. Sau đó vua đầu tiên nhà Lê Trung hưng là Trang tông Lê Duy Ninh mới sai Trịnh Duy Liêu theo đường biển sang nhà Minh tố cáo chuyện Mạc Đăng Dung cướp ngôi, và nhờ giúp đỡ. Bởi thế cho nên vua nhà Minh sau đó đã sai Cừu Loan và Mao Bá Ôn đưa quân xuống phía Nam, áp sát biên giới Đại Việt để gây sức ép, đòi nhà Mạc đầu hàng. Vì phía Nam có nhà Lê Trung hưng, phía Bắc có quân Minh lăm le bờ cõi; liệu sức nhà Mạc non trẻ không thể nào chống nổi cho nên cuối năm 1540, Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung cùng tùy tùng hơn 40 người tự trói mình, đi chân trần ra ải Nam Quan chịu nhục trước đoàn sứ thần nhà Minh. Tại đây, Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung đã cúi đầu dâng nộp sổ sách các loại bao gồm điền thổ và dân đinh; dâng thêm đất đai 5 động của châu Vĩnh An, trấn Yên Quảng xin cho nội thuộc vào Khâm châu Trung Quốc, đồng thời sai sứ giả mang biểu đầu hàng đi Yên Kinh. Cuối năm 1541, vua Thế Tông nhà Minh phong Mạc Đăng Dung làm An Nam Đô thống sứ, ban ấn bạc và cho quyền được thế tập. Nhưng lúc này Mạc Đăng Dung đã chết, vua Thế Tông nhà Minh lại sai ban một ấn bạc mới cho Mạc Phúc Hải (con Mạc Đăng Doanh), phong giữ chức tước và quyền thế tập giống như ông nội Mạc Đăng Dung.

Qua đời: Chỉ vài tháng sau sự việc tự trói mình khổ nhục ở ải Nam Quan, đến tháng Chín năm sau, tức năm 1541 Mạc Đăng Dung lâm bệnh qua đời. Mạc Đăng Dung tự lập làm vua 3 năm rồi truyền ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, sau khi Đăng Doanh chết thì truyền cho cháu; làm Thái thượng hoàng vị chi 12 năm, hưởng thọ 58 tuổi. Con cháu đời sau tôn Mạc Đăng Dung là Thái tổ triều Mạc, cho nên ta gọi là Thái tổ Mạc Đăng Dung.

Đánh giá: Ở thời phong kiến nước Nam ta, chuyện cướp ngôi đổi họ là chuyện chẳng phải hiếm. Nhưng để kể ra một chuyện gần nhất, có nhiều nét tương đồng nhất so với chuyện Mạc Đăng Dung, ấy chính là chuyện Hồ Quý Ly trước đó 100 năm.

   Cả Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung đều cướp ngôi đổi họ. Hồ Quý Ly thì cải cách mạnh mẽ, chủ chiến với Đại Minh và nhà Hồ nhanh chóng sụp đổ. Những chuyện cơ bản thì dễ dàng nhận thấy Mạc Đăng Dung hoàn toàn đối lập so với Hồ Quý Ly.

   Bỏ qua các yếu tố thời thế của lịch sử trong nước và lân bang, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhờ thân thế; còn Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhờ tài thao lược!

Hết!
Xem lại Phần 1.

Nghe Audio trên Youtube: