Điển Vi – Dũng tướng đáng tiếc nhất thời Tam Quốc
Điển Vi (? – 197) là mãnh tướng nổi bật nhất phục vụ trong thời kỳ gây dựng thế lực của Tào Tháo. Ông có tướng mạo khôi ngô, sức khỏe hơn người, hay làm điều nghĩa hiệp, vì thế được Tào Tháo trọng dụng hết mực, cũng là người hiếm hoi khiến Tào Tháo, người được mệnh danh là “gian hùng thời Tam Quốc” phải rơi lệ.
Trước khi đi vào con đường binh nghiệp dưới trướng Trương Mạo (Trương Mạc) rồi cuối cùng là Tào Tháo, Điển Vi nổi lên vì một lần hành hiệp cứu bạn. Điển Vi đánh xe chở gà và rượu, giả làm người đến thăm nhà Lý Vĩnh – một viên quan. Đợi khi lính canh mở cổng, ông xông vào đánh, chém giết Lý Vĩnh xách đầu ra ngoài chợ, hàng mấy trăm người đuổi theo ông nhưng không ai dám lại gần. Từ sau việc đó, nhiều người hào kiệt tìm đến làm quen với ông.
Trong “Tam quốc Diễn nghĩa”, hữu tướng của Tào Tháo là Hạ Hầu Đôn bẩm rằng: “Tôi đi săn gặp Điển Vi đang đuổi hổ nhảy qua suối, nay tôi đem về dâng chúa công”.
Tào Tháo trông thấy tướng mạo khôi ngô lòng mừng rỡ. Đôn lại nói: “Điển Vi từng báo thù cho bạn, hàng mấy trăm người không ai địch nổi. Y sử dụng được hai ngọn kích sắt, nặng hơn tám mươi cân, cắp ngồi trên ngựa, vung múa nhẹ như bay”.
Tháo nghe nói vậy bèn cho thử việc ngay, lập tức sai Vi ra thử kích. Vi cắp đôi kích nhẹ nhàng phi lên ngựa tới lui múa kích, binh lính ai nấy cũng trầm trồ khen hay. Bỗng bấy giờ có một cơn gió to, lá cờ lớn trồng dưới trướng lung lay sắp đổ. Quân sĩ lại xúm xít ôm giữ không nổi. Điển Vi thấy vậy, từ trên ngựa nhảy xuống, quát to một tiếng, đuổi quân sĩ lui ra, rồi một tay nắm chắc lấy, cột cờ đứng im phăng phắc giữa luồng gió. Tào Tháo đắc ý nhận việc ngay, liền cởi áo gấm đang mặc cho Điển Vi, lại cho thêm một con ngựa thực tốt và một bộ yên chạm. Từ đó tiếng tăm ông ngày càng vang xa, nhiều người mến mộ và khâm phục.
Hình ảnh Điển Vi dũng mãnh cùng song kích đã trở thành nỗi khiếp đảm trong mắt quân thù.
Năm 194, Tào Tháo và Lã Bố giao tranh ở Bộc Dương, Tháo bị Lã Bố mang quân vây áp ba mặt, tình thế vô cùng nguy cấp. Điển Vi dẫn một toán quân cảm tử đi đầu phá vòng vây. Ông bảo quân lính không mang khiên che đỡ để rảnh tay, thay vào đó hãy mặc mấy lần áo giáp, chỉ dùng đoản kích và trường mâu ra trận. Điển Vi dặn quân sĩ: “Kẻ thù đến trong vòng mười bước chân thì nhớ gọi ta!”. Khi được nhắc đúng tầm khoảng cách, Điển Vi cầm hơn mười cây đoản kích ném ra, cứ một kích lại có một người ngã ngựa, không chệch cái nào. Quân Lã Bố sợ hãi phải rút lui. Tào Tháo nhân đó mang quân ra mở đường chạy thoát.
Năm Kiến An thứ 2 (197), Trương Tú làm phản muốn diệt Tào Tháo. Những kẻ mưu phản hiểu rằng muốn diệt Tào Tháo trước tiên phải diệt vị tướng trung thành “hộ mạng” Tào Tháo, tức Điển Vi. Hồ Xa Nhi vì vậy đã hiến kế cho Trương Tú: “Khi Điển Vi quá chén, lén lấy đôi thiết kích của Điển Vi thì mới dễ bề ra tay”.
Miêu tả về cái chết của người anh hùng này, “Tam Quốc diễn nghĩa” có đoạn: “Được một hồi thì bốn mặt lửa cùng cháy cả. Bấy giờ Tháo mới hoảng sợ, vội vàng sai gọi Ðiển Vi.
Ðiển Vi say rượu đang ngủ, trong mơ màng chợt nghe tiếng chiêng trống và tiếng người reo hò, giật nảy mình, vùng dậy, sờ đến đôi thiết kích thì không thấy đâu cả.
Ở ngoài giặc đã đến cửa. Vi vội vàng giật lấy đao lưng của lính canh, chạy ra, ở ngoài đã thấy vô số quân mã, cầm rặt giáo dài đánh bừa vào trại.
Vi phải nhất sống nhì chết mà lăn xả vào đám quân ấy, chém giết một lúc chết hơn hai mươi người thì quân mã ấy mới lui, lại có quân bộ kéo đến. Hai bên giáo mác tua tủa như ngọn lau, mình Vi không một mảnh giáp, trên dưới bị vài mươi nhát đâm.
Vi vẫn cứ lăn xả vào đánh; dao mẻ không dùng được, Vi bỏ dao, hai tay vớ ngay lấy hai người làm khí giới, quăng đập một lúc chết tám chín người. Giặc thấy thế không dám đến gần, chỉ đứng đằng xa bắn tên lại.
Tên bắn như mưa, Ðiển Vi vẫn liều chết giữ cửa trại, các thủ hạ của Vi chết hết, bản thân bị hơn mười vết thương, còn một mình quần thảo với quân Trương Tú, Vi bị một mũi giáo đâm trúng giữa lưng, kêu to một tiếng, máu chảy đầy đất rồi chết, mắt vẫn mở to. Hắn chết tới nửa ngày quân Trương Tú mới dám tiến lại.”
Mất đi đôi song kích, Điển Vi “lấy hai người làm khí giới”, chiến đấu ngoan cường và dũng mãnh cho tới giây phút cuối cùng.
Hậu thế đánh giá, trong Tam Quốc, không cái chết nào đáng tiếc hơn Điển Vi. Lữ Bố là người vô nghĩa, có bị giết cũng là nhân quả báo ứng. Quan Vũ trời sinh bảo thủ, kiêu căng sớm muộn cũng bị diệt. Trương Phi nóng vội trả thù mà sinh tàn bạo, bị chết không oan.
Cái chết của Điển Vi có thể hình dung rõ bằng hai từ “bi tráng”. Nếu như khi đó, Điển Vi có thiết kích và chiến mã, tình thế chắc chắn sẽ khác.
Trong trận Uyển Thành bị tạo phản ấy, Tào Tháo cũng mất hai người thân, song cái chết của Điển Vi làm ông thương tiếc hơn cả: “Ta mất một con trưởng và một cháu yêu, cũng không thương tiếc là mấy, chỉ thương khóc Ðiển Vi mà thôi”.
Một dũng tướng có tài như Điển Vi, chưa thể cùng quân chủ làm nên đại sự, nay đã phải hy sinh một cách đáng tiếc như vậy. Hậu thế đau lòng trước cái chết của ông cũng là vì lẽ đó.