Tuấn Đức hầu Trịnh Cối
Xuất thân: Trịnh Cối không rõ năm sinh, là con của Thái sư Trịnh Kiểm cùng bà Chính phi Lại Thị Ngọc Trân. Do là con trưởng cho nên Trịnh Cối được cha sớm chỉ định sẽ là người kế nghiệp nắm giữ binh quyền.
Giữ binh quyền Lê – Trịnh: Năm 1570 dưới triều Lê Anh Tông, Thái sư Lượng Quốc công Trịnh Kiểm già yếu qua đời, bao nhiêu quyền bính trước đây của Trịnh Kiểm đều được vua Anh Tông chuyển giao cho Tuấn Đức hầu Trịnh Cối theo đúng di nguyện.
Thế nhưng Trịnh Cối sống buông thả, ngày ngày đắm chìm trong tửu sắc, lại ra vẻ ngạo mạn cho nên người người có ý rời xa. Trong số đó có các tướng Nam triều là Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ, Văn Phong hầu Trịnh Vĩnh Thiệu, Vệ Dương hầu Trịnh Bách, Lai Quận công Phan Công Tích… vì bất bình cho nên bí mật họp bàn, tính chuyện cướp quyền trao cho Trịnh Tùng – em khác mẹ với Trịnh Cối. Mà chuyện cướp quyền này muốn được thuận lợi và chính đáng thì trước tiên phải được sự hậu thuẫn từ phía vua Lê Anh Tông. Vì trên danh nghĩa, chính quyền Nam triều là chính quyền của nhà Lê Trung Hưng; quyền hành của Trịnh Cối cũng do vua Lê Anh Tông “ưng thuận” chuyển giao từ tay Trịnh Kiểm. Vậy nên phe ủng hộ Trịnh Tùng trước thì tâu, sau thì khống chế ép vua rời bỏ Yên Trường về hành tại Vạn Lại rồi chia ra đóng giữ các nơi trọng yếu đề phòng Trịnh Cối.
Anh em giao chiến: Trịnh Cối khi hay tin các tướng lĩnh cùng Trịnh Tùng tạo phản, khống chế vua Lê thì nổi giận đem hơn 1 vạn quân áp sát doanh trại Trịnh Tùng. Phe Trịnh Cối thì hùng hổ, còn phía Trịnh Tùng lúc đầu cố thủ không ra. Vua Lê Anh Tông thấy hai anh em họ Trịnh liên tục thách thức nhau; lo ngại cảnh binh đao nổ ra thì bất lợi cho nước nhà, cho nên vua Anh Tông sai người hòa giải. Thế nhưng bỏ qua những lời can ngăn, chẳng chịu nhượng bộ; hai anh em Trịnh Cối – Trịnh Tùng đốc quân giao chiến kịch liệt trong mấy tháng trời mà vẫn chưa bên nào thắng bên nào. Mãi cho đến khi Trịnh Cối cảm thấy hơi bất lợi vì phải ở ngoài mặt trận lâu ngày nên mới tự ý lui quân rút về dinh Biện Thượng với suy nghĩ: “Trong cửa quan có quân Trịnh Tùng, ngoài bờ cõi thì có giặc. Ta ở quãng giữa, nếu chẳng may có tai biến khẩn cấp thì khó mà chống đỡ được”. Nói rồi sai các tướng chia quân đi đóng giữ các nơi hiểm yếu đề phòng quân Mạc.
Hàng nhà Mạc: Tháng 8 năm 1570 từ phía Bắc triều nhà Mạc, biết ở Nam triều có biến nên Mạc Kính Điển đem 10 vạn đại quân cùng chiến thuyền tiến vào các cửa biển Thanh Hóa đánh phá. Bấy giờ Trịnh Cối ít quân, lại bị kẹp giữa vòng vây quân Mạc và quân Trịnh Tùng. Vì thế cô yếu, biết không thể nào đủ sức đối đầu cho nên Trịnh Cối buộc phải đem gia quyến đầu hàng, được vua Mạc dung nạp và phong tước như hồi còn ở bên nhà Lê.
Trịnh Cối kế thừa binh quyền từ tay Trịnh Kiểm đầu năm 1570 đến giữa năm ấy thì đầu hàng nhà Mạc. Như vậy Trịnh Cối chỉ có vỏn vẹn 6 tháng nắm giữ binh quyền nhà Lê Trung Hưng.
Qua đời: Sau thời gian hơn 10 năm sống ở Bắc triều nhà Mạc, được phong tước Trung Lương hầu, sau thăng Trung Quận công; đến tháng 9 năm 1584, Trịnh Cối qua đời. Nhà Mạc làm lễ điếu tang tử tế rồi sai người đưa linh cữu Trịnh Cối trở về quê hương Thanh Hóa.
Đánh giá: Thái sư Lượng Quốc công Trịnh Kiểm rồi đến Tuấn Đức hầu Trịnh Cối là bậc tiền nhân của các vị chúa Trịnh về sau này. Riêng bản thân hai vị Trịnh Kiểm và Trịnh Cối không xếp vào hàng ngũ các vị chúa Trịnh chính thức. Bởi vì lúc sinh thời, hai con người này chưa từng tự ý thoán đoạt hay xưng vương; chiến tranh giữa hai nhà Trịnh – Nguyễn cũng chưa nổ ra. Cho nên chúa Trịnh chính thức đầu tiên trong lịch sử Việt Nam được xác định ở thời Trịnh Tùng nắm quyền khi người này thao túng triều Lê, giết liền hai vua và khai mào cuộc chiến với dòng họ Nguyễn kéo dài hơn trăm năm ở xứ Đàng Trong.
Nghe Audio trên Youtube: