Báo Tử Đầu – Lâm Xung
Xuất thân: Giáo-đầu 80 vạn Cấm quân Đông Kinh.
Xuất hiện: Hồi thứ 6.
Nguyên nhân lên Lương Sơn: Bị bạn thân là Lục Khiêm cùng Thái úy Cao Cầu bày mưu hãm hại.
Nguyên là Cao Cầu có một người con nuôi tên Cao Khảm và thường được gọi bằng cái tên trịnh trọng là Cao Nha-nội. Cao Khảm si mê nhan sắc nàng Trương thị – vợ Lâm Xung nên thường ngày hay ăn vạ, đòi Cao Cầu phải chiếm bằng được nàng Trương cho hắn. Để chiều lòng con, Cao Cầu cùng Lục Khiêm lừa Lâm Xung mang đao vào Thiết Hổ-đường; đây là nơi các quan đại thần bàn chuyện quốc gia đại sự, người khác không được phép tùy tiện mang theo binh khí khi vào chốn này. Vậy là Lâm Xung mắc mẹo lừa, phải chịu tội đày đi Thương-châu.
Khi ở Thương-châu, Lâm Xung vẫn ngày đêm nhớ về Đông Kinh, nơi có gia đình ấm êm cùng tháng ngày oai hùng với 80 vạn Cấm quân nên ông cố chịu cảnh khổ ải của một kẻ tiểu tốt nơi biên thùy, mong một ngày được phục chức, đoàn viên. Thế nhưng Cao Cầu vẫn chưa yên tâm nên sai Lục Khiêm từ Đông-kinh đến Thương-châu giết Lâm Xung. Một hôm Lục Khiêm sai người phóng hỏa đốt tan lều tranh nhưng hôm ấy trời đông rét buốt khiến Lâm Xung phải đi ẩn mình trong ngôi miếu hoang. Thật chẳng may cho Lục Khiêm sau đó khi hắn cùng các tên tay sai cũng vào trú nơi miếu hoang ấy và bàn tán về chuyện “thiêu cháy Lâm Xung nơi lều cỏ”. Lâm Xung vô tình nghe được câu chuyện thì đùng đùng nổi giận và ra tay giết Lục Khiêm. Chuyện này được tác giả Thi Nại Am viết trong hồi “Lều tranh mưa tuyết – Lâm Xung chém bạn dứt nghĩa tình”.
Đường về Đông Kinh đã tận, Lâm Xung đành lánh mình nơi bến nước Lương Sơn.
Vị trí: Thứ 6.
Chức vụ: Mã-quân Xích-long tướng.
Binh Khí: Giỏi các nghề Thương, Giáo, Xà mâu.
Sao chiếu mệnh: Thiên Hùng-tinh.
Tên hiệu: Báo Tử Đầu (Báo đầu đàn).
Tên gọi khác: Lâm Giáo-đầu.
Kết cục: Về sau, khi quân Lương Sơn quy thuận triều đình, Lâm Xung đã cùng lực lượng này tham chiến ở hầu hết các trận đánh lớn. Sau chiến dịch cuối cùng đánh quân Phương Lạp thì sức khỏe Lâm Xung dần trở nên xấu đi vì những nỗi buồn u uẩn. Do lâm trọng bệnh nên ông không về kinh mà ở lại chùa Lục Hòa cùng Lỗ Trí Thâm và Võ Tòng; nửa năm sau đó thì mất.
Người đời sau có thơ vịnh Lâm Xung rằng:
Trọn nghĩa quân thần một chữ Trung
Giang sơn nhiễu loạn hại anh hùng
Ỷ quyền nghịch tử đòi vô lối
Cậy thế tiểu nhân bức đến cùng.
Bằng hữu cầu danh nên tráo trở
Sai nha hám lợi mới hành hung
Cùng đường lánh nạn Lương Sơn Bạc
Gió bão giang hồ sắp chuyển rung.
Lâm Xung – một số phận nghiệt ngã. Thương thay!