Lê Phụ Trần – Lê Tần
Xuất thân: Lê Tần quê ở Ái Châu, tức Thanh Hóa ngày nay.
Ông là một danh tướng sống vào đầu thời nhà Trần. Tuy sử sách không ghi rõ năm sinh năm mất, nhưng theo những sự kiện được chính sử ghi chép lại thì ông là một người có tuổi thọ cao.
Khi nói đến Lê Tần, có hai sự kiện không thể không nhắc đến ấy là phá vòng vây giải cứu vua Thái-tông Trần-Cảnh và sau đó được vua ban Công chúa Chiêu Thánh – tức vua Lý Chiêu Hoàng thuở trước.
Phá vòng vây giặc Mông Cổ:
Năm 1258, Ngột Lương Hợp Thai thống lĩnh quân đội Mông Cổ từ Vân Nam Trung Quốc tấn công Đại Việt lần thứ Nhất. Thế tiến quân của giặc rất mạnh nên nhanh chóng vượt qua các cửa ải để tiến sát kinh thành Thăng Long. Khi đến Bình Lệ Nguyên, quân giặc chạm trán và đánh nhau một trận ác liệt với quân Đại Việt do đích thân vua Trần Thái Tông chỉ huy. Đến khi quân ta có phần yếu thế, nhiều người khuyên vua nên tiếp tục cầm cự, chỉ huy đốc chiến; nhưng với tầm nhìn chiến lược cùng lòng quả cảm, Lê Tần khuyên vua nên tạm thời rút quân bảo toàn lực lượng. Một mình Lê Tần tả xung hữu đột, đến khi phá được vòng vây thì quân giặc bắn tên xối xả; Lê Tần đã dùng ván thuyền che chắn cứu vua rút lui được an toàn.
Được ban Công chúa Chiêu Thánh:
Sau khi bờ cõi nước ta sạch bóng quân thù Mông Cổ, đến phần định công ban thưởng thì Lê Tần đứng đầu ba quân; ông được vua ban tước danh “phụ Trần” nên người đời sau tôn kính, quen gọi ông bằng cái tên Lê Phụ Trần. Ngoài ra vua Trần Thái Tông còn đem Công chúa Chiêu Thánh – vốn là vợ của vua Thái Tông, ban cho Lê Phụ Trần. Về sau, Công chúa Chiêu Thánh cùng Lê Phụ Trần sinh được hai con, một trai một gái.
Công chúa Chiêu Thánh nguyên là Lý Chiêu Hoàng – vị vua cuối cùng của vương triều Lý. Năm 1225, dưới bàn tay dàn dựng của Trần Thủ Độ, vua Lý Chiêu Hoàng bị buộc phải nhường ngôi cho Trần Cảnh – tức Trần Thái Tông, rồi trở thành Hoàng hậu của Thái Tông khi cả hai người mới vừa 8 tuổi. Vua và Hoàng hậu chung sống 12 năm mà vẫn chưa có con; bấy giờ Trần Thủ Độ ép phế Hoàng hậu, giáng làm Công chúa Chiêu Thánh, rồi lập chị của Chiêu Thánh thay làm Hoàng hậu. Chiêu Thánh sống cô đơn trong hơn 20 năm liền sau đó, đến năm 1258 thì được vua ban cho Lê Phụ Trần.
Các Chức vị:
Năm 1250: Giữ các chức Ngự sử Trung tướng, Tri Tam ty Viện sự.
Năm 1258: Sau chiến thắng quân Mông Cổ, ông được phong Ngự sử Đại phu; tước Bảo Văn-hầu.
Những năm sau đó, đế chế Mông Cổ dốc sức tiêu diệt nhà Tống rồi lập nên nhà nước Đại Nguyên mà ta quen gọi là Nguyên Mông. Lúc này người Mông Cổ lo củng cố, xây dựng triều đại mới nên chưa rảnh tay xâm lược nước ta lần nữa; cho nên họ ra yêu sách đòi Đại Việt hằng năm phải tiến cống rất nặng nề. Bấy giờ vua sai Lê Phụ Trần đi sứ sang Đại Nguyên, rồi đạt được thỏa thuận ba năm tiến cống một lần; khi về, ông được thăng chức Thủy quân Đại Tướng quân.
Năm 1274: Đời vua Trần Thánh Tông, được thăng Thiếu sư kiêm chức Trừ cung Giáo thụ – là Thầy dạy Thái tử Trần Khâm, về sau là vua Trần Nhân Tông.
Sau triều đại nhà Trần, nước Việt Nam ta còn trải qua nhiều triều đại lớn nhỏ khác nữa. Và dĩ nhiên không quá khó để nêu lên một vài cái tên đã dám liều mình xả thân cứu vua cứu chúa. Nhưng để tìm ra một trường hợp được ban từ “Phụ” trước tên triều đương đại như Lê Phụ Trần thì quả là nghìn năm chỉ có một mà thôi.
Nghe Audio trên Youtube: