Hổ Quyền
Cánh cổng vừa kéo lên, con hổ từ trong chuồng lồng dậy phóng vút lao ra giữa đấu trường. Phía đằng xa, con voi vẫn bình thản chậm rãi bước đi, phong thái toát lên một dáng vẻ uy nghi đầy kiêu hãnh. Con thú săn mồi bị bỏ đói nhiều ngày liếc trông thấy voi, liền lao tới như một mũi tên, phóng lên ôm choàng lấy cổ con voi mà cắn.
“Hừm, cũng khá đấy chú em” – Con voi hất mạnh đầu về phía hai bên, hổ choáng váng mất thăng bằng rồi rơi bịch xuống đất. Sau một hồi trấn tĩnh, con hổ đói lại tiếp tục xông lên như một bản năng, vồ đầu, bấu trán con voi, điên cuồng cắn xé. Quá tức giận, voi gồng mình ngẩng cao đầu cùng hai chân trước, rống lên một tiếng rền cả đấu trường rồi bức tốc chạy húc đầu vào bức tường đá. Nó lại ngẩng đầu lên, từ từ chà mạnh con thú đang bị mắc kẹt giữa cặp ngà sắc nhọn lên bức tường đá rồi lạnh lùng thả ịch xuống đất. Từ trên cao, đôi bàn chân khổng lồ phủ một màu đen xám, nó giáng một sức mạnh ngàn cân lên mình con hổ rồi chà qua chà lại vài lần; con mãnh thú bị bể bụng lòi ruột, lè lưỡi chết tốt. Ấy là câu chuyện diễn ra tại Đấu trường Hổ quyền – Kinh thành Huế năm 1904 dưới triều vua Thành Thái.
Minh họa một trận đấu voi – hổ.
Di tích Đấu trường Hổ Quyền tọa lạc tại thôn Trường Đá, phường Thủy Biều, thành phố Huế, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830). Kiến trúc Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn, được kết cấu bởi hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm cao gần 6m xây dựng bằng gạch vồ, đá thanh kết hợp vôi vữa. Thành ngoài có chu vi 145m, được xây nghiêng một góc khoảng 10 – 15 độ tạo thế vững chãi kiểu chân đê; thành trong cao hơn thành ngoài, hai vòng tường thành tạo nên một lối đi phía trên mặt thành rộng trung bình 4,5m. Khán đài vua ngồi được xây cao và rộng hơn so với các vị trí xung quanh. Đối diện với khán đài của vua có năm chuồng nuôi hổ. Hai vòng tường thành trong và ngoài của đấu trường có chức năng làm các vách chuồng; giữa hai tường thành sẵn có, xây thêm các bức vách bằng gạch để tạo thành 5 cái chuồng riêng biệt, mỗi chuồng đều có cửa thông ra đấu trường, cửa được đóng mở theo phương pháp dùng đòn bẩy kéo lên – hạ xuống bằng dây từ trên mặt thành. Sân đấu là một thảm cỏ hình tròn đường kính 44m. Ngoài thành có một cửa chính cao gần 4m, rộng 1,9m có hai cánh cửa bằng gỗ mà đế làm bằng phiến đá thanh, trên cửa có ghi hai chữ “Hổ Quyền”, voi được đưa vào sân đấu bằng lối cửa này. Đấu trường Hổ Quyền là thao trường luyện tập của voi với hổ. Ngoài mục đích rèn luyện lực lượng Tượng binh và phục vụ các nghi thức tế lễ thì Hổ quyền còn là nơi giải trí của các vua quan triều Nguyễn.
Đấu trường với 5 cổng thông với chuồng hổ (Ảnh: st).
Xứ Đàng Trong kể từ ngày chúa Tiên Nguyễn Hoàng vượt dãy Hoành Sơn vào Nam mở cõi, đến đời chúa Vũ Nguyễn Phúc Khoát (vị chúa thứ Tám) trải qua gần 200 năm, lãnh thổ xứ Đàng Trong đã vươn dài đến tận đất mũi Cà Mau. Bấy giờ, chúa Vũ đã hoàn thành sứ mệnh khai hoang mở cõi về phương Nam của các đời chúa Nguyễn. Như để tạ ơn trời đất cũng như tưởng nhớ công lao của tổ tiên, năm 1750 tại cồn Dã Viên trên sông Hương, chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng với triều thần đi trên 12 chiếc thuyền để xem voi – hổ đấu. Khán giả đã chứng kiến từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc, khi mà 40 con voi đã tàn sát đến con hổ cuối cùng trong số 18 con được thả ra làm vật tế thần trong ngày hội. Đó là trận huyết chiến được xem là sớm nhất giữa voi và hổ ở thời các chúa Nguyễn, được học giả Pierre Poivre người Pháp tận mắt chứng kiến và mô tả lại trong hồi ký: “Đây có lẽ là trận đấu voi – hổ khủng khiếp và đẫm máu nhất trong lịch sử.”
Voi được đưa ra sân đấu.
Đến thời các vua Nguyễn, những cuộc đấu giữa voi và hổ vẫn thường được tổ chức hằng năm và được xem là ngày hội lớn của triều đình và dân chúng. Dưới thời vua Gia Long, trong một trận đấu được tổ chức ở bãi đất trống phía trước kinh thành, giới hạn bằng một hàng rào lính tráng cầm khí giới đứng vòng quanh bảo vệ, một con hổ đã xổng ra nhảy chồm lên vồ người quản tượng rơi xuống đất và ông đã bị chính con voi do mình huấn luyện giẫm chết. Sự điên cuồng của con mãnh thú đã gây thương vong cho nhiều người và để lại ký ức đau buồn cho nhiều khán giả hôm đó.
Tiếp sang thời Minh Mạng, một sự cố tương tự cũng đã xảy ra trong một trận đấu giữa voi và hổ. Chuyện là nhân dịp ngày lễ Tứ tuần Đại khánh (mừng thọ vua 40 tuổi) vào năm 1829, vua ngự thuyền rồng xem một trận thư hùng giữa voi và hổ tổ chức ở bên bờ bắc sông Hương. Trong lúc trận kịch chiến đang diễn ra, đến hồi cao trào thì chúa sơn lâm vẫy vùng chống trả quyết liệt đến mức làm đứt cả dây trói rồi lao ra bơi về phía thuyền rồng. Giữa lúc quan binh còn đang nhốn nháo hoảng loạn thì vua Minh Mạng đã nhanh trí kịp dùng con sào đẩy lùi được con vật khốn cùng ra xa trước khi bị quan quân ra tay kết liễu giữa dòng sông cứu vua kịp thời.
Do những sự cố thiếu an toàn này, qua năm sau, tức năm Minh Mạng thứ 11 (1830), vua đã chọn vùng đất ở thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, nằm về phía Tây Kinh Thành để xây dựng một đấu trường kiên cố để tổ chức những cuộc đấu voi – hổ về sau được diễn ra an toàn hơn.
Đấu trường Hổ Quyền (Ảnh từ internet).
Có một thực tế rằng, từ xa xưa quân và dân ta đã biết thuần dưỡng và sử dụng sức mạnh vượt trội của voi vào các mục đích sinh hoạt thường ngày cũng như phục vụ chiến đấu bảo vệ đất nước. Đến thời các chúa Nguyễn khai hoang mở cõi về phương Nam, ngoài việc phải liên tục chiến đấu với các thế lực của Đàng Ngoài ở phía Bắc hay các quốc gia khác ở phía Nam thì họ còn phải đối diện với một thử thách khác không kém phần gian nan đó chính là điều kiện tự nhiên của xứ Đàng Trong. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, chỉ có thể là voi mới đủ khả năng vừa là lực lượng phục vụ chiến đấu vừa là phương tiện phục vụ người dân trong đời sống sinh hoạt thường ngày nhờ khả năng đương đầu với thú dữ cũng như khả năng lên rừng, lội nước siêu hạng của chúng… Vì thế trong xã hội của các chúa và vua Nguyễn, voi có vai trò, vị trí rất cao trong xã hội. Những cuộc đấu giữa voi và hổ thực chất chỉ là một màn tàn sát hổ. Loài hổ bị tượng trưng cho những khó khăn, thử thách mà con người thời ấy phải chịu đựng và vượt qua, bị ví như điều ác. Thế nên trước mọi trận đấu, hổ nuôi đã bị cắt nanh, bẻ vuốt, lại còn bị bỏ đói thêm vài ngày cho kiệt sức. Trước khi xây dựng đấu trường Hổ quyền, các trận đấu voi hổ thường được tổ chức ở các cồn cát trên sông Hương hay các bãi đất được giới hạn bởi hàng rào binh lính với đầy đủ khí giới thì hổ ngoài việc phải chịu các thiệt thòi như trên, chúng còn phải bị trói bằng dây để giới hạn không gian hoạt động của chúng.
Hình ảnh mô phỏng Đấu trường Hổ quyền.
Đấu trường Hổ Quyền là một di tích kiến trúc rất độc đáo hiếm thấy ở đâu trên thế giới. Xin mượn lời nhận định của Nhà Huế học Phan Thuận An để nói về tầm cỡ của công trình này
“Ngoài đấu trường giác đấu nổi tiếng thời La Mã cổ đại như Colosseum, không đâu tìm được một đấu trường quy mô như Hổ Quyền”.