Đọc chuyện Tam Quốc nhớ Nguyễn Biểu nước Nam

     Chuyện Tam quốc bên nước Trung Hoa khởi đầu bằng việc anh hùng hào kiệt khắp nơi ra tay giúp nhà Hán đánh giặc Hoàng Cân (Khăn Vàng) giữa lúc vương triều này dần đến hồi suy vong. Thế nhưng câu chuyện chỉ thực sự trở nên sôi nổi, kịch tính kể từ khi các anh tài cùng chung sức chống quyền thần Đổng Trác và họ lập ra liên minh gồm Mười tám lộ chư hầu do Viên Thiệu được bầu làm minh chủ. Điều đó cho thấy rằng Đổng Trác có thế lực rất lớn và ai ai cũng muốn diệt trừ.

Tại hồi thứ Tám, khi mà thủ lĩnh của một trong Mười tám lộ chư hầu mạnh nhất ấy là Tôn Kiên vừa mới mất do chết trận thì Đổng Trác tỏ ra huênh hoang, ngày càng trở nên kiêu căng và lộng quyền, tự xưng Thượng phụ; khi ra vào dùng toàn nghi vệ thiên tử.

“Một hôm Trác ra ngoài cửa Hoành Môn có các quan đi tiễn, Trác mời các quan ở lại uống rượu.

 Chợt có mấy trăm hàng binh vừa dụ được ở đất Bắc đến. Trác sai đem ra trước chỗ ăn tiệc, đứa thì đem chặt chân chặt tay, đứa thì đem khoét mắt xẻo mũi, đứa thì đem cắt lưỡi, đứa thì đem bỏ vạc dầu đun. Tiếng kêu khóc vang lừng trời đất.

Các quan đang ăn tiệc, thấy thế người nào người nấy đều run cầm cập, đánh rơi cả đũa. Trác vừa uống rượu vừa cười nói như không.

Lại một hôm khác, Trác ở sảnh đài, hội cả bách quan ngồi sẵn ra hai hàng. Rượu uống được độ vài tuần, thì Lã Bố đi tắt vào, ghé vào tai Đổng Trác nói thầm mấy câu, rồi thấy Trác cười mà nói rằng:

– Thế ra thực như vậy!

Nói rồi sai Lã Bố lôi quan Tư không, tên là Trương Ôn, đang ngồi dự tiệc, đem xuống dưới thềm. Các quan không biết đầu đuôi thế nào đều thất sắc. Một lát thấy quân hầu bưng lên một cái mâm đỏ, giữa để đầu lâu Trương Ôn. Các quan đều sợ mất vía, mặt ông nào cũng xám ngắt như gà cắt tiết. Đổng Trác cười nói:

– Các quan đừng sợ. Trương Ôn kết liên với Viên Thuật, toan hại ta. Nhân hai đứa gửi thư cho nhau, đưa nhầm cho con ta là Lã Ôn hầu (tức Lã Bố), nên ta mới đem chém. Các quan không có việc gì, đừng sợ.

Các quan dạ dạ rồi về.” (Trích Tam quốc Diễn nghĩa)

     Hơn một ngàn năm sau ở tận trời Nam, nhà nước Đại Ngu của hai cha con Hồ Quý Ly – Hồ Hán Thương đã bị quân nhà Minh xâm lược cướp lấy năm 1407. Dưới chính sách đô hộ tàn bạo, quân nhà Minh dưới tay tướng giặc Trương Phụ đã gây bao đau thương tang tóc chẳng kém gì nhân vật Đổng Trác của nhà Hán năm xưa.

     Cuối năm 1412, cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần do Trùng Quang đế Trần Quý Khoáng lãnh đạo đã nổ ra được gần năm năm. Cuộc khởi nghĩa đã có lúc tạo được tiếng vang rất lớn khi giải phóng cả một vùng Bắc Trung bộ kéo dài lên tận các vùng xung quanh Đông Quan (Hà Nội). Khi cuộc chiến đang đến hồi quyết liệt thì tướng giặc Trương Phụ và Mộc Thạnh trở lại nước ta, một mặt đưa chiếu vua Minh giở giọng nhân nghĩa ra mà mua chuộc, mặt khác đưa quân tổng lực đánh chiếm Nghệ An – nơi đồn trú của quân khởi nghĩa nhà Hậu Trần.

Trước tình thế cấp bách, Trùng Quang đế cử Nguyễn Biểu sang trại quân Minh gặp Trương Phụ nhờ dâng biểu cầu phong lên vua Minh Thành tổ nhằm thực hiện kế hoãn binh để Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị có thêm thời gian xây dựng, củng cố lực lượng. Bấy giờ tướng giặc giở trò hăm dọa, bèn sai quân hầu bày biện mâm cỗ thết đãi sứ giả Nguyễn Biểu. Lũ giặc này kể từ khi xâm chiếm nước ta, chưa bao giờ nghĩ đến hai từ “nhân nghĩa” thế sao nay chúng nó trở nên thiện chí như vậy? Nguyễn Biểu cẩn trọng giở ra xem thì hỡi ôi hai con mắt trợn trừng căm phẫn từ một chiếc đầu người luộc chín bày ra ngay trước mắt. Nguyễn Biểu điềm nhiên nói rằng: “Mấy thuở được ăn thịt người phương Bắc!” Thế rồi ung dung lấy đũa khoét mắt chấm muối ăn. Vừa ăn, vừa ngâm bài thơ “Cỗ đầu người”. Khí phách hiên ngang cùng tài ứng đối của Nguyễn Biểu khiến Trương Phụ phục lắm nhưng mà cũng giận lắm; sẵn có tên hàng tướng Phan Liêu được quân nhà Minh mới cho giữ chức Tri phủ Nghệ An gièm pha khiến Trương Phụ sai quân đem Nguyễn Biểu ra trói dưới chân cầu Lam Kiều, đợi nước thủy triều dâng cao dìm chết. Nguyễn Biểu trước khi chết vẫn hiên ngang mắng chửi quân giặc rằng:

“Chúng bay bên trong thì mưu đánh chiếm, bên ngoài lại rêu rao nhân nghĩa. Đã hứa lập con cháu nhà Trần mà lại chia nước Nam thành quận huyện, chẳng những cướp bóc mà còn tàn sát cả lương dân. Thực quả là giặc dữ.”

Lễ tưởng niệm Nguyễn Biểu tại đền thờ ông ở quê hương Hà Tĩnh.

Một năm sau, cuối năm 1413, cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần đã bị quân giặc đàn áp dập tắt; toàn bộ các nhân vật chủ chốt hoặc tự sát hoặc bị quân giặc giết hại hết sức dã man. Dân nước Nam tiếp tục chìm vào những năm tháng đen tối nhất trong lịch sử kể từ khi các vua Hùng dựng nước cách nay hơn bốn ngàn năm.

Nguyễn Biểu từng đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) khi còn rất trẻ dưới triều đại nhà Trần; khi sống tận trung báo quốc, khi chết hóa thành bất tử, để lại cho đời một gương sáng về tinh thần hiên ngang bất khuất trước sự bạo ngược của quân thù ngoại xâm. Phan Liêu về sau bị nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt, là một trong số những kẻ bán nước cầu vinh tiêu biểu ở thời kỳ này; chỉ vì một chút danh lợi nhỏ nhoi mà họ cam tâm đứng về phía bên kia chiến tuyến đưa lưỡi dao ngọn giáo về phía dân tộc mình. Vết nhơ này, nỗi nhục này… lưu mãi ngàn thu.