Trần Khánh Dư – Hoàng tử Bán than

     “Ơ kìa, chiếc thuyền con đằng kia! Trông dáng ai chẳng phải Khánh Dư đấy ư? Sao lại lam lũ thế này!” – Nhà vua thảng thốt lên giọng hỏi đoàn quan binh rồi sai người lính chèo thuyền sang truy xét.

     “Ta chỉ là gã bán than nghèo hèn. Ta không biết Khánh Dư tướng quân là ai hết.” – Gã bán than giọng sang sảng, bình thản trả lời. Người lính nghe xong, vội vã quay về thuyền vua trình báo.

     “Không! Không… Đích thị là Khánh Dư yêu quý của ta rồi. Kẻ dân đen tầm thường sao có bản lĩnh hiên ngang như vậy được.” – Nói xong, nhà vua bèn sai người lính cấp tốc đi triệu Trần Khánh Dư cùng lên thuyền rồng. Trông thấy Khánh Dư lam lũ, cơ cực, ai nấy cũng ngậm ngùi thương xót…

     Đó là câu chuyện xảy ra vào năm 1282 ở thời đại nhà Trần nước Đại Việt. Bấy giờ đế chế hùng mạnh Nguyên Mông đã là ông kẹ thật sự của các vùng lân cận trải dài từ châu Á tới các quốc gia Đông Âu. Tiên liệu về một cuộc phục thù đẫm máu sau thất bại ở lần đầu tiên xâm lược Đại Việt của đoàn quân Nguyên Mông trước đó 30 năm, vua Trần Nhân Tông đã triệu tập một hội nghị tại bến Bình Than để bàn về kế sách đối phó quân Nguyên Mông khi chúng sắp sửa kéo sang xâm lược nước ta một lần nữa. Và khi đang trên đường đến bến Bình Than dự họp, gặp Trần Khánh Dư, thấy ông lam lũ cực khổ, vua Trần Nhân Tông đã xúc động hạ chiếu tha tội; Khánh Dư lên thuyền lạy tạ, được vua ban áo ngự, cùng họp bàn việc nước.

     Trần Khánh Dư (? – 1339) là con của Thượng tướng Trần Phó Duyệt, ông sớm lập chiến công nên được vua Trần Thánh Tông khen là trí dũng, lập làm Thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua), được phong Phiêu kỵ tướng quân tước Thượng Vị hầu. Nhưng sau phạm tội tư thông với Công chúa Thiên Thụy – vợ chưa cưới của Hưng Vũ vương Nghiễn (con trai Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn) nên bị tước bỏ mọi chức tước, giáng làm thường dân.

     “Tội của Khánh Dư rất nặng, tội chết có thể thoát – tội sống không thể tha, lôi ra ngoài đánh hắn cho ta!” – Thượng hoàng Thánh Tông không muốn làm phật ý Hưng Đạo vương nên phạt đánh Khánh Dư 100 gậy nhưng Thượng hoàng cũng thương tiếc cho con người tài năng; xót thương Khánh Dư, Thượng hoàng Thánh Tông ngầm hạ lệnh chừa cho Khánh Dư một con đường sống. Thế là bằng thủ thuật và kinh nghiệm của những người lính thi hành án, Trần Khánh Dư lĩnh đủ 100 gậy mà vẫn sống sót. Thân bại danh liệt, Trần Khánh Dư phải lui về vùng núi Chí Linh – Hải Dương làm nghề bán than. Nhưng Trần Khánh Dư là một đấng “nam nhi chi chí”, rồi đây ông sẽ trở lại mạnh mẽ hơn trong “phần hai” của cuộc đời mình bằng những chiến công oanh liệt trong các lần chống quân xâm lược Nguyên Mông về sau.

     Chiến công oanh liệt nhất mà Trần Khánh Dư lập được là tiêu diệt đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ ở vùng biển Vân Đồn trong công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ Ba ở nước ta. Đầu năm 1288, Trần Khánh Dư được giao chỉ huy quân sĩ phòng giữ vùng biển, lúc đầu bị tướng giặc Ô Mã Nhi đánh bại, Thượng hoàng Trần Thánh Tông nghe tin, bèn ra lệnh triệu ông về triều hỏi tội

     “Tội của ta quả thật đáng chết. Nhưng thắng – thua nằm ở kết quả cuối cùng, trận chiến còn chưa kết thúc mà. Nhà ngươi về tâu Thượng hoàng cho ta xin hoãn ít ngày để lập công rồi về triều chịu tội ắt cũng chưa muộn.”

     Sau khi xuyên thủng tuyến phòng thủ trên biển do Trần Khánh Dư chỉ huy, tướng giặc Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp vội theo sông Bạch Đằng tiến về Vạn Kiếp để nhanh chóng hội cùng cánh quân của Thoát Hoan mà bỏ lại phía sau toàn bộ đoàn thuyền vận lương của Trương Văn Hổ. Bấy giờ Phó đô Tướng quân Trần Khánh Dư thu thập lực lượng, chỉnh tề sắp đặt quân mai phục chờ đoàn thuyền nặng nề của giặc từ từ bơi vào ổ phục kích. Bị tập kích bất ngờ và dữ dội, những chiếc thuyền vận tải siêu trọng của đế chế Nguyên Mông tưởng chừng bất khả xâm phạm thì nay cũng đành ôm hận trước những mồi lửa và con sóng ở Đại Việt. Chỉ có Trương Văn Hổ liều chết cướp thuyền con bỏ chạy nên mới trốn thoát, toàn bộ đoàn binh thuyền bị đánh tan tác, rực cháy, gục đầu chìm vào đáy biển Đại Việt.

Tran Khanh Du

Tranh minh họa Danh tướng Trần Khánh Dư.

     Chiến thắng của Trần Khánh Dư là một đòn trời giáng đối với quân xâm lược Nguyên Mông, góp phần quan trọng trong chiến lược xoay chuyển tình thế chiến tranh mà quân dân nhà Trần đã đề ra trước đó. Lương thảo đối với quân hệ trọng như cây cần có nước. Bấy giờ đoàn thuyền vận lương đã bị đánh tan, trên bờ tại những vùng đất Đại Việt mà bọn giặc Thát Đát càn qua cũng chẳng còn của cải có giá trị để bọn chúng cướp bóc bởi chiến thuật “vườn không nhà trống”. Rồi đây đoàn quân hùng hậu hàng chục vạn binh lính Nguyên Mông tưởng chừng bất khả chiến bại sẽ nhanh chóng suy yếu trên chiến trường Đại Việt bởi lý do quân số quá đông trong khi nguồn lương thảo đã bị chặt đứt. Ấy là thời điểm để quân dân nhà Trần dồn sức tổng lực phản công giành lấy toàn thắng cuối cùng trong công cuộc kháng chiến chống quân thù xâm lược Nguyên Mông.

     Nhờ lập công lao to lớn trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Trần Khánh Dư được phong tước Nhân Huệ vương. Sử gia Phan Huy Chú đã xếp Trần Khánh Dư đứng hàng thứ năm trong số những tướng giỏi nhất của nhà Trần, chỉ sau Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn Đại vương Trần Nhật Duật và Thượng tướng Phạm Ngũ Lão.

     Năm 1339, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư qua đời vì tuổi cao sức yếu. Do còn nhiều giả thuyết về năm sinh của ông, chiếu theo những câu chuyện được ghi lại, tục truyền ông thọ 100 tuổi! Trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, tên ông được đặt cho Hộ tống hạm Trần Khánh Dư HQ-4. Chiến hạm này sau đó tham gia vào trận Hải chiến Hoàng Sa 1974 chống quân Trung Quốc. Ngoài ra tên ông còn được đặt cho một con đường và một cây cầu tại phường Tân Định, Quận 1, Sài Gòn cho tới ngày nay.