KÝ SỰ TAXI | Tập 1: “Mấy thằng có ăn học mà lanh lợi gì!”

     Những ngày giáp Tết Nguyên Đán năm ấy, hình như người người ở cái thành phố này đều hồ hởi hơn hẳn. Họ mong chờ một mùa xuân mới sẽ mang đến nhiều điều tốt đẹp thay cho một năm cũ đầy biến động sau giai đoạn cả nước oằn mình chống chọi với đại dịch Covid. Còn tôi thì đang làm quen với việc gặm nhấm nỗi buồn từ sự bất như ý trong cuộc sống; điều đó đã khiến tôi phải tập làm quen với một công việc hoàn toàn mới – ấy là tài xế taxi công nghệ.

     Như thường lệ, khi trời vừa chập choạng tối thì cũng là lúc tôi bắt đầu công việc của mình. Chuyến xe đầu tiên hiển thị trên ứng dụng chỉ cho tôi biết hành khách muốn về một nơi xa xôi thuộc huyện Bình Chánh gần giáp Long An về hướng Quốc lộ 50. Xe đến điểm đón, một người đàn ông trung niên chống nạng bước ra được kèm bởi hai người thanh niên khác. Nhìn thoáng qua ô cửa đã được phủ lớp cách nhiệt tối màu, trực quan ấy khiến tôi suy tưởng về một nghệ sĩ, một doanh nhân hoặc đại loại kiểu một vị lãnh đạo nào đó bởi vì người đàn ông chống nạng tuy ăn mặc đơn giản nhưng toát lên vẻ lịch sự chuẩn mực với bộ âu phục; còn người thanh niên bước đi khệnh khạng chân thấp chân cao khiến tôi nghĩ thầm: “chắc là tiệc tùng cuối năm đây mà”. Nhưng không; tôi đã lầm!

Đây là một quãng đường tương đối xa so với một chuyến taxi thông thường, cho nên dù muốn dù không thì tôi vẫn nghe được rất nhiều câu chuyện mà các vị khách bàn tán trên suốt hành trình. Niềm hân hoan của mùa xuân đã bắt đầu ngay từ lúc chuyến xe còn chưa kịp khởi hành; vị khách trung niên dù phải chống nạng, người thanh niên dáng đi khập khiễng nhưng mọi hành động đều nhanh nhẹn và hăng hái tiến về phía chiếc xe tôi đang chờ. Rồi khi tất cả đã yên vị, xe từ từ lăn bánh thì vị trung niên thốt ra một câu: “tụi bay coi đây xe cộ gì mà có bộ rộng rãi quá bay!” Người thanh niên còn lại đang ngồi ghế trước nhìn qua nhìn lại rồi thưa: “Dạ, xe Mitsu á Thầy!” Họ khen chiếc xe rộng và mới; còn tôi cảm thấy như mình cũng đang dần hòa nhịp cùng hơi thở mùa xuân thay cho nỗi buồn lãng đãng…

     Xe đã về đến Quốc lộ 50 thuộc địa phận huyện Bình Chánh nhưng tôi vẫn chưa biết mình còn phải đi bao lâu, bao xa nữa bởi vì bây giờ định vị trên ứng dụng Google maps chỉ còn mang tính tương đối, mọi ngã rẽ đều theo chỉ dẫn của người thanh niên ngồi cạnh tôi ở hàng ghế trước. Và như thế, khung cảnh làng quê mỗi lúc một hiện ra, từng con đường dãy phố dần lùi lại xa mờ sau từng khóm tre, bụi chuối… Tôi nghe vị khách trung niên vui mừng gọi điện báo vợ rằng “Anh sắp về tới nhà”; niềm hân hoan ấy nghe chừng sôi nổi như tinh thần của những chàng trai cô gái tuổi chừng đôi mươi khi nghe hai người bàn về kế hoạch đi xem hội hoa xuân ở khu này, văn nghệ dân gian ở khu nọ… Rồi ba vị hành khách lại bàn tán rôm rả về anh A chị B… tạo nên một không khí thật là vui vẻ.

     Người thanh niên có dáng đi khập khiễng không phải vì anh ta say rượu như tôi thầm nghĩ lúc ban đầu, mà vì anh ta mắc một chứng bệnh nào đó mà tôi không chắc gọi tên, có thể là chứng bại não. Điều đó cũng khiến cho việc phát âm của anh trở nên khó khăn. Tuy là thế, chàng thanh niên này lại là người bàn tán sôi nổi nhất. Khi người đàn ông trung niên tiếp nối câu chuyện bằng nhận xét: “cái thằng đó vậy mà giỏi, biết làm ăn nha bây!”; thì người thanh niên đáp lại bằng thứ âm thanh méo mó chậm rãi nhưng rất to và quyết đoán: “Cậu nói cái gì, con thấy thằng đó có biết làm ăn gì đâu. Mấy thằng có ăn có học mà lanh lợi gì há Cậu!…” Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nghe người ta nói “mấy thằng có ăn có học mà lanh lợi gì”. Câu nói ấn tượng ấy vô tình đã chạm vào tận đáy lòng khiến tôi dù không muốn cũng phải rùng mình suy ngẫm. 

     Giữ vững tay lái, cuối cùng thì hành trình cũng kết thúc bình an tại một Trung tâm dạy lái xe thuộc một vùng ven của huyện Bình Chánh. Bấy giờ người đàn ông trung niên mới nói cho tôi biết rằng ông là thầy dạy lái xe ở đây và không quên kèm những lời chúc tốt đẹp dành cho tôi. Rồi ông quay sang mắng yêu hai người cháu: “Mai mốt chân tao lành hẳn rồi thì tụi bay mới được rủ tao đi chơi nữa nghe hông”. Tôi quay xe ra về với lòng tôn trọng dành cho Thầy và tự hoài nghi về chính mình, rằng “sao Thầy không hề góp ý hay phê bình cho mình một lời nào cả. Mình chạy vậy có tệ lắm không? Không biết có phen nào làm Thầy hú vía hay không?…” Đường ra ngoài lộ còn xa, tôi cố gắng gạt những nỗi niềm của kẻ “bất lanh lợi” qua một bên để vững tay lái, giữ cho xe không phải lăn xuống ruộng…

Saigon những ngày cận Tết Giáp Thìn 2024.

Tiểu Nô-tài.
19/03/2025