Lệnh Minh – Bàng Đức (Phần 1)
Quê quán: Vùng Tây Lương phía tây Trung Quốc.
Xuất thân: Võ tướng dưới trướng Mã Siêu – con trai Mã Đằng Thứ-sử Tây Lương.
Tên chữ (Tự): Lệnh Minh.
Xuất hiện: Hồi thứ 58 đến hồi thứ 74.
Vai trò cuối cùng: Tướng quân phe Tào Ngụy.
Sự xuất hiện của Lệnh-minh Bàng-đức tuy có phần muộn màng và chóng vánh nhưng Bàng Đức in sâu trong lòng đọc giả qua hình ảnh của một võ tướng vừa mưu lược vừa quả cảm kiên trung, chiến đấu đến giờ phút cuối cùng quyết không đầu hàng.
Chiếm Tràng An:
Lúc bấy giờ cha của Mã Siêu là Mã Đằng mới bị Tào Tháo sát hại nên Mã Siêu đem lòng căm tức thống lĩnh đại quân Tây Lương tấn công Tràng An. Nhưng Tràng An vốn là kinh đô cũ của nhà Tây Hán có thành cao hào sâu rất là vững chắc nên quân Tây Lương vây đánh hơn mười ngày mà vẫn chưa hạ được. Bấy giờ có viên tướng tiên phong là Bàng Đức mới hiến kế cho Mã Siêu:
“Trong thành này đất sỏi nước mặn, ăn uống khó khăn, củi lại không có. Nay vây mười ngày, quân dân trong ấy đói khát. Chi bằng tạm rút quân về dùng một mẹo này… Thì thành này lấy được dễ như bỡn!”
Mã Siêu khen kế Bàng Đức liền truyền lệnh rút quân. Thái thú Tràng An là Chung Do lên thành cao quan sát mấy ngày liền không thấy bóng dáng quân Tây Lương nên yên tâm cho dân trong thành ra ngoài gánh nước, đốn củi. Được mấy ngày yên ả như vậy, bỗng một hôm đến khoảng canh ba thì phía cửa Tây bùng lên đám cháy. Tướng giữ cửa là Chung Tấn em Chung Do vội vàng ra dập lửa thì bỗng đâu có một người giơ đao xốc ngựa hét to lên rằng “Bàng Đức ở đây” rồi thì một ánh đao giáng xuống chém Chung Do lăn ngay xuống ngựa. Quân Tây Lương ồ ạt kéo vào đánh chiếm được Tràng An, còn Thứ sử Chung Do phải bỏ thành chạy về ải Đồng Quan chờ Tào Tháo tiếp ứng.
Chiếm ải Đồng Quan:
Tào Tháo hay tin cựu đô Tràng An đã bị quân Tây Lương đánh chiếm và thế giặc rất lớn thì liền sai Tào Hồng cùng Từ Hoảng đi gấp đến Đồng Quan thay Chung Do giữ ải còn mình dẫn đại quân lục tục theo sau.
Đại quân Tây Lương do Mã Siêu thống lĩnh đêm ngày đến trước ải hò reo, đem ba họ nhà Tào Tháo ra chửi bới thách đánh. Tào Hồng ở trên ải nghe giận lắm nhưng vẫn cứ im ỉm không ra. Đến ngày thứ chín, trong đám quân sĩ Tây Lương người thì cởi giáp ngồi chơi, ngựa thì tháo yên thả cho ăn cỏ trông chẳng còn ra đội ngũ gì nữa. Tào Hồng thấy cảnh quân sĩ Tây Lương ra vẻ khinh nhờn quá mức, dù biết là sẽ sai lời căn dặn của Tào Tháo nhưng Tào Hồng nén giận chẳng được, bèn xuất quân xuống ải đuổi đánh. Quân Tây Lương trông thấy tướng địch hùng hổ xông ra thì vội vàng quăng giáp bỏ ngựa mà chạy. Đang khi mải mê đuổi đánh thì bỗng đâu chiêng trống vang lên rồi bên tả có Mã Siêu, bên hữu có Bàng Đức cùng đổ ra chặn đánh. Từ Hoảng nghe tiếng người la ngựa hí thì cũng đem quân ra tiếp ứng nhưng thế quân Tây Lương quá lớn không sao địch nổi đành phải quay đầu bỏ chạy. Tào Hồng bị Bàng Đức đánh đuổi sâu về trong đất Ngụy thì gặp Tào Nhân vừa kịp đem quân tiếp ứng. Quân Tây Lương kéo về ải Đồng Quan vừa chiếm được mở tiệc ăn mừng, khao thưởng quân sĩ.
Về phe Tào Tháo:
Vào khoảng năm 215, Tào Tháo đem binh hùng tướng mạnh cùng thân chinh đi đánh chiếm đất Hán Trung bấy giờ thuộc quyền cai quản của Trương Lỗ. Do từ xa mới đến cũng như địa thế vùng Hán Trung hiểm trở nên quân Tào gặp bất lợi lúc đầu nhưng sau đó họ liên tiếp giành được thắng lợi, chém được hai đại tướng là Dương Ngang và Dương Nhiệm. Trương Lỗ từ thế tự tin giờ chuyển sang lo lắng chưa biết tính sao thì có người bày rằng: “ Ở đây có Bàng Đức, trước theo Mã Siêu hàng với chúa công. Về sau Mã Siêu sang Tây Xuyên, y ốm không đi được. Hiện nay y nhờ chúa công an dưỡng, sao chúa công không sai đi?” Trương Lỗ nghe thế mừng lắm, gọi Bàng Đức thưởng rất hậu rồi sai đem quân đi cự Tào Tháo.
Tào Tháo mấy năm trước đánh nhau với quân Tây Lương đã từng đại bại nên hẳn không thể nào quên được Bàng Đức. Tháo mới dặn rằng: “Bàng Đức là dũng tướng ở Tây Lương, nguyên là thủ hạ Mã Siêu trước. Nay tuy theo Trương Lỗ nhưng chưa vừa ý. Ta muốn dùng người ấy, các ngươi nên đánh từ từ, đợi khi sức hắn yếu rồi, hãy bắt sống lấy.”
Trương Cáp ra trước, đánh được vài hiệp thì lùi. Hạ Hầu Uyên cũng đánh vài hiệp rồi chạy. Từ Hoảng cũng thế, Hứa Chử đánh hơn năm mươi hiệp cũng chạy nốt. Bàng Đức một mình địch nổi bốn tướng không nhụt chút nào. Các tướng ai cũng khoe với Tào Tháo rằng Bàng Đức võ nghệ giỏi lắm.
Một hôm Bàng Đức đang đuổi quân Tào thì thấy Tào Tháo cưỡi ngựa đứng trên núi khiêu chiến. Bàng Đức nghĩ nếu bắt được Tào Tháo thì bằng bắt một nghìn viên thượng tướng, liền tế ngựa phi thẳng lên núi. Bỗng nhiên thấy ầm một tiếng rồi cả người lẫn ngựa lộn nhào xuống hố. Trước đó Tào Tháo đã lập mưu ly gián khiến Bàng Đức bị Trương Lỗ ngờ vực nên khi bị Tào Tháo bắt được và dụ hàng thì Bàng Đức đã đồng ý về phe Tào Tháo.
Cái chết: Bị Quan Vũ phe Lưu Bị giết ở trận Phàn Thành năm 219.
Mùa thu năm Kiến An 24 (tức 219), Lưu Bị tự xưng Hán Trung vương; việc này đã khiến Tào Tháo tức giận, sau đó bày mưu liên kết Đông Ngô cùng đánh Lưu Bị mà mục tiêu đầu tiên là vùng đất trù phú Kinh Châu đang được Quan Vân Trường trấn giữ. Phe Lưu Bị nắm được tình hình, lại đang trong thời hưng thịnh nên đi trước một bước bằng việc sai Vân Trường đem quân Kinh Châu đánh úp Phàn Thành bên đất Ngụy. Tướng giữ Phàn Thành là Tào Nhân tuy là tay dũng tướng nhưng địch không nổi thế lực quá lớn từ phía quân Kinh Châu, bèn sai người đêm ngày chạy về Hứa Đô cấp báo Tào Tháo xin chi viện.
Một hôm Tào Tháo đang bàn việc quân thì nhận được cấp báo của Tào Nhân, liền chỉ ngay một dũng tướng đang có mặt lúc ấy, đó là Vu Cấm. Vu Cấm lĩnh mệnh nhưng còn tỏ vẻ chưa yên tâm nên xin Tào Tháo cử thêm một tướng nữa làm tiên phong. Bấy giờ có một người dõng dạc bước ra nói rằng “Tôi xin gắng sức khuyển mã, phen này bắt sống Vân Trường về nộp dưới cờ.” Tào Tháo nhìn xem thì là Bàng Đức, bảo rằng “Quan Vân Trường tiếng lừng lẫy cả trong nước là vì chưa gặp người đối thủ. Nay gặp phải Bàng Lệnh-Minh thì thực là kình địch” rồi mừng rỡ cho hai tướng khởi bảy đạo quân tinh tráng tiến ra Phàn Thành.
Lệnh-minh Bàng-đức đang sắp sửa tiến quân thì có người tâu Tào Tháo không nên cho Bàng Đức làm tiên phong. Tào Tháo giật mình hốt hoảng cho gọi Bàng Đức vào tra hỏi …
Hết phần 1.
Muốn biết Bàng Lệnh-minh đối chất thế nào, xin mời xem tiếp Phần 2 TẠI ĐÂY.