Sĩ Nguyên – Bàng Thống

Quê quán: huyện Tương Dương, Nam quận thuộc Kinh Châu.

Tên chữ (Tự): Sĩ Nguyên.

Tên hiệu: Phụng Sồ (Phượng con).

Vai trò: Mưu sĩ dưới trướng Lưu Bị.

   Trong Tam quốc Diễn nghĩa của La Quán Trung thì Bàng Thống có tài mưu lược có thể sánh với Khổng-minh Gia Cát Lượng qua câu nói trứ danh của Thủy-kính Tiên-sinh dành cho Lưu Bị: “Nếu được một trong hai người Ngọa Long hoặc Phụng Sồ thì có thể định hưng được thiên hạ”. Trái hẳn với tài năng, dung mạo Phụng Sồ được miêu tả: “Người mày rậm, mũi gồ, mặt đen, râu ngắn, hình dung xấu xí.” 

Bàng Thống
Sĩ Nguyên – Bàng Thống.

   Ở trận đại chiến Xích Bích, người đời thường nhớ ngay tới ngọn gió Đông của Gia Cát cũng như tài hỏa công của Đô-đốc Chu Du. Thế nhưng để góp phần cho ngọn lửa Xích Bích càng trở nên hung bạo ấy chính là mẹo của Bàng Thống khi ông là người đã lừa gian hùng Tào Tháo dùng móc sắt khóa hàng nghìn chiến thuyền với nhau để quân sĩ giao chiến trên thuyền được thuận lợi như trên mặt đất. Bởi quân Tào Tháo từ phương Bắc xa xôi vốn không quen thủy chiến nên Tháo đắc ý mà mắc mẹo. Đến khi nhận ra mưu lừa của Bàng Thống thì đã quá muộn màng vì bấy giờ khóa sắt đã đóng chặt mà gió Đông thì thổi gấp nên không làm sao kịp tháo rời chiến thuyền. Kết quả toàn bộ hàng nghìn chiến thuyền phải làm mồi cho lửa, quân Tào Tháo đại bại.

Bàng Thống.
Bàng Thống.

   Sau trận Xích Bích thì Lỗ Túc tiến cử Bàng Thống cho Tôn Quyền, nhưng do dung mạo xấu xí cùng cách hành xử có phần bộc trực xốc nổi nên không được lòng Tôn Quyền. Lỗ Túc bèn viết thư tiến cử Bàng Thống sang Kinh Châu cùng Lưu Bị.

Cái chết: Trong công cuộc thôn tính Tây Xuyên, Bàng Thống cùng Lưu Bị mỗi người dẫn một đạo quân theo hai đàng tấn công Lạc-thành. Hôm ấy, đạo quân của Bàng Thống do Ngụy Diên làm tiên phong theo đường nhỏ mà tiến. Trước khi đi, con ngựa Bàng Thống bỗng bị quáng mắt hất tung Thống ngã lăn xuống đất. Lưu Bị cảm thấy lo lắng và khuyên Bàng Thống nên đi đường lớn vì dù gì “Bị này cũng quen nghề cung ngựa từ nhỏ” nhưng Bàng Thống vẫn khẳng khái chọn đường nhỏ mà đi. Lưu Bị bèn đổi con ngựa trắng thuần tính của mình đang cưỡi sang cho Thống mà lòng vẫn áy náy không yên. Khi đoàn quân tới một hẻm núi, ngước nhìn lên thấy cây cối độ cuối hè um tùm xum xuê, Bàng Thống bèn hỏi một tên lính mới đầu hàng thì mới hay đây là gò Lạc Phượng. Thống giật mình bảo “Hỏng, hỏng! Ta hiệu là Phượng Sồ, mà đây lại là gò Lạc Phượng, dễ thường quan hệ đến tính mạng ta.” Nói rồi lập tức truyền lệnh lui quân. Nhưng hỡi ôi, một tiếng pháo lệnh nổ vang, rồi tên đá trên núi bắn xuống như châu chấu, cứ nhắm vào ngựa trắng mà bắn… Năm ấy Phượng Sồ mới chừng ba mươi sáu tuổi.

   Người đời sau có thơ rằng: 

Sĩ Nguyên này cũng bậc anh hào
Người xấu nhưng mà chí khí cao
Thao lược kém chi mưu Quản, Nhạc
Tài năng coi nhỏ sức Tôn, Tào.

Một phương đất hiếm công khai thác
Muôn dặm đường trường khổ lao
Độc ác làm chi thiên cẩu giáng
Thôi thôi số phận biết làm sao!