Vịnh Xuân Đài

Những hạt mưa trăm năm
Làm xanh bờ Sông Cái2
Nắng đầu ghềnh cuối bãi
Một mai về Tiên Châu.

Về Tiên Châu tôi đi tìm ngọn sóng
Sóng Bãi Bàng vang vọng đến đầu non.
Đời cha tiếp đời ông đi giữ nước
Một thời bà thay mẹ để ru con:
“Một mai sóng vỗ Bãi Bàng
Một ngày xa bạn ăn vàng không ngon.”

Lời ru héo hon
Bồng bềnh theo sóng bủa
Dưới lưng tôi mùa đông và chậu lửa
Ngày chưa tàn còn vọng tiếng súng xa.
Lớp lớp người qua
Lưng mang vai gánh
Đường thiên lý mồ hôi se gió lạnh
Đường đi chiến trường, đường ra Bắc, vào Nam
“Anh về ngoài ấy chi lâu
Để em trông đứng, trông ngồi không yên
Không đi thì nhớ thì trông
Có đi thì sợ Cù Mông, Xuân Đài
Cù Mông là một, Chùm Gởi là hai
Dốc Găng, dốc Quýt, dốc Xuân Đài là năm.”

Lời ru xa xăm
Sóng buồn vỗ nhịp
Ầm ào, rì rào
Bãi gần, bãi xa
Ngàn năm can qua
Bốn trăm năm Biên Trấn3
Những cửa biển buồm căng
Những chiến thuyền xung trận
Lúa Phú Yên trổ xanh trời phương Nam.
Những cuộc chia ly để lại đêm đêm
Nước mắt và lời ru
Rớt vào sóng biển
Ở Vũng Sứ, Vũng La
Vũng Chào, Vũng Lắm.4

Có những ngày mùa đông mưa thảm
Nước lớn tràn đồng
Đò tôi qua Sông Cái
Từng đợt xác người trôi sông
Chân tay bị trói
Không ai dám vớt lên, không biết ai để hỏi
Sau này tôi mới hiểu
Họ là những người con
Của quê hương quật khởi
Bị thủ tiêu ở Lỗ Sấu, La Hai.5

Ôi con sông dài
Những khúc hiền hòa
Những khúc đắng cay
Những bờ thương cảm
Nhiều lần tôi thầm gọi
Sông ơi! Hãy ở lại
Cứ xanh lên và mãi đợi chờ.

Gành đá mãi không bạc màu
Biển ngọt ngào không mặn
Chỉ có tháng ngày lắng sâu
Như lòng mẹ – Vịnh Xuân Đài.

   Nguyễn Kim Ngân – Tháng 4/2010.

– – – Chú thích – – –

Vịnh Xuân Đài: Một thắng cảnh lịch sử của tỉnh Phú Yên. Trong Thế chiến thứ Hai năm 1945, khi tàu chiến Nhật Bản định cho quân đổ bộ thì bị máy bay Đồng Minh bắn cháy và chìm trên vùng biển Xuân Đài. Xác tàu nằm lại đây mãi cho tới những năm 90 thì mới bị người dân khai thác, thu nhặt hoàn toàn phế liệu. Riêng tác giả bài thơ từng vài lần đi thuyền câu tới đây, chủ thuyền dùng mái chèo chọc xuống xác chiến thuyền “nghe lộp cộp”. Vào những ngày biển cạn, người dân đứng từ xa vẫn có thể nhìn thấy rõ cột tín hiệu của xác tàu nhô hẳn lên trên mặt nước.
2 Sông Cái: Con sông chảy từ huyện Đồng Xuân xuống huyện Tuy An rồi đổ ra biển qua cửa Tiên Châu.
3 Khi các chúa Nguyễn khai phá Đàng Trong, mỗi khi làm chủ một vùng đất mới thì thường đặt dinh Trấn Biên (cũng gọi là Biên Trấn). Tác giả viết bài thơ này vào đúng dịp Kỷ niệm 400 năm thành lập tỉnh Phú Yên (1611 – 2011).
4 Các địa danh nằm rải rác ven bờ vịnh Xuân Đài.
5 Các địa danh thuộc huyện Tuy An, Phú Yên.