Chuyện Súng thần công

     Súng thần công là loại vũ khí “nóng” ra đời từ khá sớm. Sự xuất hiện của súng thần công là một bước ngoặt quan trọng trong việc chế tạo vũ khí cũng như gia tăng đáng kể sức mạnh của các bên tham gia chiến trường. Ở Việt Nam, súng thần công được cải tiến và phát triển mạnh mẽ vào thời đại nhà Hồ của cha con Hồ Quý Ly vào những năm đầu thế kỷ XV. Nếu như Hồ Nguyên Trừng được hậu thế xem như là ông tổ nghề đúc súng thần công thì trước đó vài mươi năm; vào năm 1390, một tướng trẻ tuổi cuối thời nhà Trần là Trần Khát Chân đã nổi danh với việc “dùng pháo lớn” bắn cháy thuyền giết chết Chế Bồng Nga – một vị vua huyền thoại của vương quốc Chăm-pa. Điều này cho thấy dân tộc ta đã biết chế tạo và sử dụng hiệu quả súng thần công cũng như các vật liệu nổ từ khá sớm.

Mô phỏng súng thần công của vương triều Hồ. Ảnh: Lê Hoàng.
Mô phỏng súng thần công của vương triều Hồ. Ảnh: Lê Hoàng.

     Nhà Hồ là một thể chế được Hồ Quý Ly thành lập vào năm 1400 trong bối cảnh nhà Minh bên Trung Hoa trong một thời gian dài liên tục dò xét, áp đặt nhiều điều ngang ngược, vô lý lên đất nước ta mà nhà Trần cuối thời lại rệu rã, bất lực. Thế nên ngay sau khi thành lập nhà nước mới, Hồ Quý Ly liền sai con trưởng là Hồ Nguyên Trừng tiến hành cải tiến, chế tạo nhiều loại vũ khí mới. Ngoài thuyền Cổ lâu (loại thuyền chiến có lầu) trứ danh thì Hồ Nguyên Trừng còn chế tạo ra rất nhiều thể loại súng lớn nhỏ mà trong đó nổi tiếng nhất là khẩu súng lớn với tên gọi “Thần cơ Thương pháo” (hoặc Thần cơ Sang pháo) có uy lực vượt trội so với các khẩu súng khác thời bấy giờ. Nhà Minh sau khi xâm lược nước ta, đã ghi vào sử sách rằng: “…Súng thần của Giao Chỉ gần đây bắn đi bằng lửa, nhanh chóng kỳ diệu như thần; ngoài 100 bước nghe thấy tiếng là lửa đã đến.” Cũng bởi tài năng ấy mà sau khi đánh bại nhà Hồ, chiếm lấy nước ta, nhà Minh đã đưa Hồ Nguyên Trừng sang Trung Hoa để tận dụng khả năng chế tạo vũ khí của ông.

Kho đạn đá được tìm thấy tại thành nhà Hồ - Thanh Hóa.
Kho đạn đá được tìm thấy tại thành nhà Hồ – Thanh Hóa. Ảnh: Lê Hoàng.

     Ngày nay cũng thật không khó để tận mắt chiêm ngưỡng những khẩu thần công từng một thời chinh chiến có tuổi đời hàng trăm năm nằm an nghỉ tại các viện bảo tàng. Thế nhưng để du khách tham quan có thể hiểu và phân biệt được đâu là súng của người Việt Nam chế tạo, còn đâu là súng do các bên tham chiến đặt mua từ nước ngoài hoặc được chính người nước ngoài đưa vào tham gia ở các chiến trường nước ta thì đó là một việc không hề dễ dàng nếu chỉ dựa vào hình dáng thiết kế của súng. Nếu có dịp ghé thăm di tích cố đô Huế, chúng ta sẽ dễ dàng được chiêm ngưỡng kiệt tác gồm 9 khẩu đại pháo với tên gọi “Cửu vị Thần công”. Đây là công trình chế tác súng thần công độc đáo có một không hai với quy mô và tính thẩm mỹ đạt độ tinh xảo do chính tay các nghệ nhân người Việt chế tạo còn tồn tại đến tận ngày nay.

Cửu vị Thần công
Cửu vị Thần công – Kiệt tác nghệ thuật từ nỗi đau chiến tranh. Ảnh: Wikipedia.

     Chuyện kể rằng, vào năm 1803 sau khi vua Gia Long tiêu diệt vương triều Tây Sơn, nhà vua đã cho thu thập tất cả các loại vũ khí, vật dụng bằng đồng của vương triều này rồi đem nấu chảy đúc thành 9 khẩu súng lớn với tên gọi “Cửu vị Thần công” để làm kỷ vật muôn đời, minh chứng về một thời đầy ác liệt, đau thương. Cũng bởi vì được chế tác vào lúc nhà Nguyễn vừa mới hình thành, đất nước nhìn chung được hưởng nền thái bình; đến 50 năm sau, khi người Pháp kéo sang thì “Cửu vị Thần công” đã tỏ ra lỗi thời, kém linh hoạt và hiệu quả vì quá cồng kềnh so với các loại vũ khí tiên tiến khác nên Cửu vị Thần công mãi mãi chỉ là vật trưng bày mang tính biểu tượng dù rằng trên thân mỗi khẩu Thần công đều được khắc rõ nội dung chỉ dẫn chi tiết về cách thức hoạt động từ liều lượng đến cách nạp thuốc súng sao cho phù hợp với từng loại đạn được bắn đi.

Thần uy Vô địch Thượng tướng quân
Một số họa tiết trên Cửu vị Thần công. Ảnh: Wikipedia.

     Đối với quân thù, súng ống đạn dược là những vật dụng vô hồn vô cảm gây bao đau thương, chết chóc. Thế nhưng đối với bên sở hữu thì vũ khí nhiều khi được giữ gìn, trân trọng đến mức thoát khỏi cuộc sống đời thực. Súng thần công là loại vũ khí có sức mạnh vượt trội cũng như nguyên lý hoạt động vượt tầm hiểu biết của đại bộ phận người dân lúc đương thời. Trước hiệu ứng đáng kinh ngạc của súng, người đương thời cảm thấy súng có sức mạnh, quyền năng như một vị thần. Từ đó trước khi ra trận, ngoài những nghi thức cúng tế trời đất, tổ tiên… còn có nghi thức tế súng. Hình thức này được sử nhà Minh chép rằng “mỗi khi tế súng đều phải tế Trừng” để nói về việc cúng tế súng thần công cũng như tưởng nhớ công lao của một huyền thoại chế súng Hồ Nguyên Trừng.

Đối với Cửu vị Thần công thì đến năm Gia Long thứ 15 (năm Bính Tý 1816), nhà vua sắc phong cho cả 9 khẩu đại pháo này danh hiệu “Thần uy Vô địch Thượng tướng Quân”; danh hiệu này cùng niên đại sắc phong đều được chạm nổi thêm vào phần đai ở cuối thân của cả 9 khẩu đại pháo. Triều đình còn cắt cử riêng một đội hình thường xuyên túc trực, cấp ngân sách cúng tế hàng năm. Về sau lễ cúng tế này bị triều đình bãi bỏ do khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, những người lính bảo vệ vẫn tự quyên góp và cúng tế vì họ sợ oai linh của “Cửu vị Thần công”.

     Một câu chuyện thú vị tôi được nghe kể rằng ngày xưa súng thần công thường được đặt tại các pháo đài, triền núi ven theo các bờ bãi, nơi mà quân địch có thể dùng thuyền đổ bộ lên đất liền. Những hôm gió to thổi lùa vào họng súng, có âm thanh ro ro phát ra khiến những người lính gác cho rằng “ông Súng” bị đau bụng, liền đem chè xôi đưa vào trong họng súng cúng cho ông “ăn”, quả nhiên hiệu nghiệm, “ông” hết đau bụng. Dẫu biết rằng ấy chỉ là câu chuyện được thêu dệt nhưng điều đó thể hiện sự kính cẩn, tôn thờ của người đời đối với loại vũ khí mang tính bước ngoặt và in sâu vào tiềm thức của người dân Việt với những câu chuyện, địa danh liên quan đến “ông” như “dốc ông Súng”, “đồi ông Súng”… ấy chính là súng thần công.