Học Trò Không Tuổi
Cái thế hệ làm học trò của tôi
Nghĩ đến mà chua xót!
Sinh ra trong nghèo khó,
Lớn lên trong chiến tranh.
Phải lo chống giặc ngoại xâm đã đành
Còn phải sợ “Diệt trừ giặc dốt”.
Sự thật, đi học là một khát vọng
Còn hơn cả áo cơm.
Dù trường học là nhà dân, là đình chùa
Bàn ghế chông chênh nhiều loại, nhiều tầm… là lớp.
Cả làng không ai có cái đồng hồ
Cứ nhìn mặt trời, nhìn trăng sao; hay nghe tiếng gà mà gọi nhau đi học.
Có khi gà gáy lầm
Vội vã đến trường trời chưa sáng, ngủ thêm.
Biết đâu lại là may
Vì khỏi sợ máy bay phát hiện.
Có những ngày nước lụt, đò sang sông
Mọi người phải ngậm ngùi nhìn theo xác chết
Không phải chỉ một, mà có khi bốn – năm.
Những người chết có thể được vớt chôn đâu đó bên bờ sông
Có khi như những dòng nước mắt trôi xuôi ra biển.
Rồi Hòa bình lập lại
Cả đất nước hồi sinh
Trên đường quê, những ngày phiên chợ
Những chiếc xe ngựa, những con đò
Chở đầy những cô hàng xén, học trò và thợ cấy.
Ruộng đồng, bờ cõi sạch trơn
Những đường mạ cấy dài tít xa
Vẫn thẳng như kẻ chỉ
Đồng xanh nối tiếp đồng xanh
Mùa vàng nối tiếp những mùa vàng
Những ngôi trường năm lớp ngói đỏ, cửa kính long lanh đã mọc lên
Cả miền quê như có mùi thơm đất mới.
Nhưng những năm tháng Hòa-bình, ngoảnh lại như bóng câu
Trên bầu trời đã bắt đầu xuất hiện những đám mây đen màu thuốc súng
Cuộc chiến đã lan tràn rất nhanh,
Rất ác liệt và mang màu hủy diệt.
Những vườn dừa cụt đọt
Đi trên Quốc lộ cũng thấy những đám rừng chỉ còn tro và đất
Những núi đồi hùng vĩ bạt ngàn chỉ còn đen núi đá, cổ thụ cũng thành than.
Có những buổi mai đang ngồi giữa Giảng đường
Bàn ghế rung lên từng hồi dài như động đất
Tôi hiểu rằng B-52 đã rải thảm rất gần ở ngoại ô
Tôi hiểu rằng chiến tranh không thể không xảy ra
Vì đất nước rất cần Độc lập, Dân chủ, Tự do
Rất cần Thống nhất.
Và từ ước mơ hòa bình
Từ những khát khao chưa thỏa của tuổi học trò
Tôi đã nuôi ước mơ trở thành thầy giáo
Nhưng tôi đã bị bắt.
Đã nhiều năm đi dạy kèm
Bây giờ tôi phải trốn về tỉnh để dạy chui
Cho đến ngày đất nước hòa bình thống nhất
Những trang sách, những trang giáo án đầu tiên là những tờ giấy rời.
Những niềm vui, những đổi mới đầu tiên là nghỉ hè được tập trung đi lao động
Những Thọ Vức, Lỗ Rong, Sơn Thành 1
Những chợ lớn, chợ nhỏ: bầu bí, củ gừng, hành tỏi… vét sạch trơn
Các xe đò nối đuôi chở đầy học sinh và lương thực lên rừng.
Có những bữa trưa
Học trò đang ngồi ăn cơm, có em ngã lăn ra sùi bọt mép
Đang cấp cứu em này, em khác lại ngã lăn
Vậy mà đêm đêm núi rừng vẫn vang tiếng hát
Cho đến ngày về, lớp nào cũng có gạo dư.
Nhưng những năm 77 – 78 2… mới là những năm khó quên!
Trường cấp Ba có bốn lớp trên một ngọn đồi,
Là chi nhánh của một trường tiểu học cũ.
Giáo viên có người ở tận Huế, Sài Gòn, Đà Lạt.
Trường chưa có đủ nhà tập thể
Bữa trưa mỗi người một chén cơm lưng lưng,
Đắp cao lên trên là những về 3 bột mì
Các thầy cô ngồi ăn trưa nơi bụi tre dưới xóm
Bên cạnh mấy con trâu đang nằm lim dim nhơi cỏ
Gió từ đầm Ô Loan thổi về
Nồng nồng hương cỏ Cói.
Ăn cơm xong chúng tôi cứ thường vừa đi vừa hát
Hát cho về tới phòng, cái bụng được no no.
Hơn bảy chục năm không phải là giấc mơ
Tôi đã đi qua hơn hai-mươi-lăm ngôi trường để làm học trò và thầy giáo
Tôi chưa bao giờ nghĩ giáo viên là nghề cơm áo.
Làm giáo viên là luôn sống với những kỷ niệm, luôn sống với những ước mong phải làm gì cho con người, cho cuộc đời, và cho quê hương ngày càng thêm tốt đẹp.
Bây giờ không phải đã hết khó khăn
Mà có thể còn nhiều khó khăn, nguy hiểm hơn
Nhưng trên khắp đất nước, ở mọi cấp học
Đâu đâu cũng có thêm cầu
Đường bê tông đến tận cổng trường, cửa lớp
Đâu đâu cũng có trường kiên cố, cao tầng, nguy nga, hiện đại
Bây giờ còn nhiều nơi thiếu đất
Nhưng nhiều nơi dư giáo viên, dư lớp, dư phòng, dư thiết bị.
Những gì tôi viết trên đây hình như không có gì là thơ cả
Nhưng nó là thơ, là bản chất sống của đời tôi.
Nếu không là giáo viên
Tôi cũng mãi mãi làm người học trò không tuổi.
Nguyễn Kim Ngân.
Tháng 08 – 2020.
1 Các địa danh thuộc tỉnh Phú Yên.
2 1977, 1978
3 Về: Miếng, mảng…