Nguyễn Như Mây – Nhà thơ “Từ trên trời xuống”
Trong cuộc đời mỗi học sinh, ngoài kiến thức được thầy cô truyền thụ thì những kỷ niệm cùng bạn bè là thứ thường được chúng ta ôn lại mỗi khi có dịp gặp mặt. Và năm cuối cấp, nhất là thời điểm chuẩn bị ra trường là khoảng thời gian để lại nhiều kỷ niệm khó quên, gây bao thương nhớ cho nhiều thế hệ học sinh. Riêng tôi, tôi không thể nào quên hình ảnh cô bạn học đã khóc như mưa trong cái “đêm chia tay” cùng lũ bạn tại bãi biển Tuy Hòa; hay những khoảnh khắc của “buổi chiều ra trường” – một buổi lễ trang trọng và có lẽ hiếm hoi ở địa phương còn nhiều khó khăn vào thời điểm đó. Trong những quyển lưu bút truyền tay vội ghi vài dòng, có một quyển đã khiến tôi nhớ mãi. Bởi vì:
“Tóc con gái đợi ngày hè đến
Nghiêng nửa vai để thấy môi hồng
Rủ nhau ngồi trắng hết bờ sông
Và chép tặng những lời hoa cỏ
Ai cũng hái theo cành phượng đỏ
Để hoá trang nhân vật của mình
Chín mười năm ngồi ghế học sinh
Giờ lưu bút, viết sao cho hết…”
Hình ảnh trong những câu thơ quá đẹp, diễn tả một khung cảnh hồn nhiên trong trẻo phù hợp với tâm trạng của nhiều học sinh ngay thời điểm đó được in lên trang bìa của quyển lưu bút ký tên tác giả Nguyễn Như Mây. Tôi thực sự bồi hồi và ngạc nhiên bởi vì nhà thơ Nguyễn Như Mây trong tâm trí tôi là một gã bụi đời với những câu thơ rực rửa…
Gần một năm trước đó, vào những ngày giữa mùa hè nóng như đổ lửa của dải đất miền Trung. Khi đó tôi đang là cậu học sinh chuẩn bị bước vào năm lớp 12. Vì sắp vào năm cuối cấp nên tôi không có một mùa hè “trọn vẹn” như những năm trước đó mà tôi phải ở lại trường để học thêm vì nhà tôi cách xa trường tận năm – sáu mươi cây số. Một buổi xế chiều của tháng Năm, dù cao điểm của ngày nắng đã qua nhưng sức nóng bốc lên từ con đường nhựa vẫn còn cảm nhận rõ. Chiếc “xe dù” ì ạch đưa tôi về thăm nhà, vượt qua con đèo này nữa thôi là tôi được về với vòng tay yêu thương của gia đình, được ngắm nhìn những hình ảnh thân thương sau nhiều ngày xa cách. Nhưng sẽ chẳng có gì để nói và cũng sẽ giống như những chuyến xe cuối tuần khác nếu như tôi không bắt gặp hình ảnh một người đàn ông tóc buông dài ngang vai, làn da cháy nắng, mồ hôi nhễ nhại, hai tay đẩy chiếc xe đạp lê đều bước chân tiến về đỉnh dốc.
– Ôi trời ơi! Người điên sao?
– Ồ mà không. Điên sao đầu đội nón rộng vành. Sao hành trang lại nghiêm chỉnh thế kia?
Tôi tò mò trong suy nghĩ và quay nhìn về phía người đàn ông qua ô cửa cho đến khi chiếc xe từ từ đổ dốc bỏ lại phía sau bóng dáng một con người kỳ lạ thấp thoáng sau ngọn đồi bốc đầy hơi nước do ảo giác từ sức nóng của mặt đường bốc lên.
Sau khi gặp gỡ người thân, việc đầu tiên tôi thường làm sau mỗi lần về thăm nhà là ra ngoài vườn, xem cảnh vật thay đổi ra sao sau vài tuần xa cách. Bỗng có tiếng của ai đó ngoài con đường làng vọng vào: “Cháu cho hỏi đây có phải nhà của nhà thơ Nguyễn Kim Ngân không?” Theo thói quen, nhanh chóng tôi trả lời: “Dạ phải.” Một khoảnh khắc ngỡ ngàng, khó hiểu tựa trong giấc mơ, và tôi tự hỏi: “Việc gì thế này? Sao lại như thế?” bởi vì “người đàn ông điên” lúc nãy mà tôi bắt gặp trên đỉnh dốc giờ đây đang hiện hữu trước mặt mình, khuất sau rặng hàng rào hoa dâm bụt.
Nhà tôi lúc đó đơn sơ, có khoảng sân đủ rộng để đưa ánh mắt nhìn về mọi phía. Mời ông vào nhà. Không cưỡng lại được sự quyến rũ của làn gió Nồm nhè nhẹ thổi vào từ phía biển, ông ngồi bệt dưới hiên nhà để thưởng thức làn gió mùa hè đầy mê hoặc, giải tỏa cơn nhiệt mang theo trên quãng đường dài nắng rát. Khi về đến nhà thì tôi mới biết rằng ba tôi có việc nên phải đi vào Sài Gòn từ ngày hôm trước, và tôi cũng cho ông biết như vậy. Hớp ngụm nước mát, ông say sưa đọc rành mạch những câu thơ nổi tiếng một thời của ba tôi:
“Có người mẹ Bàn Cờ
Tay gầy tóc bạc phơ
Chuyền cơm qua vách cấm
Khi ngoài trời đã thưa.
…
Đường Việt Nam Bàn Cờ
Tình Việt Nam như tơ
Đồng Việt Nam lầy lội
Giặc đợi chết từng giờ.”
Định thần một lát, mẹ tôi hỏi:
– “Ông là ai? Ông từ đâu tới?”
– “Tôi từ trên trời xuống.” Câu trả lời của ông càng làm ánh mắt bà mẹ quê thêm phần đăm chiêu xen lẫn ngờ vực.
Qua một hồi trò chuyện, ông cho biết mình đang trên đường đạp xe từ Sài Gòn ra Hà Nội và ghé qua đây để thăm ba tôi – một người mà ông chưa từng gặp, chỉ nghe tiếng và trước năm 1975 khi đang là giáo viên ở Bình Dương thì ông thường trích đọc bài thơ trên của ba tôi cho học sinh của ông nghe. Tháo chiếc đồng hồ dây da đang đeo, ông khoe một “chiếc đồng hồ mới” mà thời tiết đã “khuyến mãi” cho ông trên đường đi – đó là phần da còn lại chưa bị rám nắng nơi cổ tay. Như cảm nhận về sự hoài nghi trong ánh mắt của bà mẹ quê vẫn chưa chịu chùng xuống, ông sai cậu em tôi ra ngoài cửa ngõ dắt “chiến mã” của ông vào dựng trước mái hiên để thuyết minh cho mẹ và chúng tôi hiểu về hành trình của ông. Đó là một chiếc xe đạp “đòn dông” kiểu cổ chở theo vài túi hành trang có mền và võng để nghỉ chân dọc đường. Đưa tay về phía chiếc xe, ông chỉ và đọc tên từng món phụ tùng bằng tiếng Pháp cho chúng tôi nghe; nào là ghi-đông (Guidon), pê-đan (pédal), mô-dơ (Moyeu)… là những thứ mà ông đã cất công sưu tầm để rồi chấp vá cho ra chiếc xe độc nhất vô nhị của mình. Cuộc trò chuyện nhờ thế được cởi mở, khoảng cách giữa những người xa lạ nhìn nhau bằng ánh mắt hoài nghi dần được thay thế bằng những lời hỏi han cùng ánh mắt thiện cảm. Liếc nhìn đồng hồ, giật mình vì phải vội lên đường để kịp hành trình của mình, ông dúi vào tay mẹ tôi một tấm danh thiếp, hẹn ngày tái ngộ rồi lặng lẽ dắt “tuấn mã” ra đi còn chúng tôi đứng ở đầu ngõ nhìn theo mà vẫn không biết ông là ai.
Câu chuyện đến đây tưởng chừng như tan biến và kết thúc nếu như hình ảnh về người đàn ông hai tay đẩy chiếc xe lên đỉnh dốc trong buổi trưa hè nắng đốt không ngừng lẩn quẩn trong tâm trí tôi. Chạy vào nhà lấy tấm danh thiếp ra xem. Ôi thật bất ngờ và thế là đã rõ. Dù trên tấm danh thiếp chỉ vỏn vẹn hai dòng họ tên cùng số điện thoại, không hề có hai chữ “nhà thơ” nhưng tôi vẫn đoán được đây chính là tác giả bài thơ “Lửa cháy thành Sài Gòn” – bài thơ được in chung với bài “Những kẻ sợ hòa bình” của ba tôi trong tuyển tập “Tiếng Hát Những Người Đi Tới” – một tuyển tập văn học nghệ thuật xuất bản những năm 90 bao gồm các thể loại: Văn – Thơ – Nhạc – Hội họa… của các tác giả hưởng ứng và tham gia phong trào phản chiến tại Sài Gòn sáng tác trước năm 1975; và con người đang trên đường “hành tẩu” ấy chính là nhà thơ Nguyễn Như Mây.
Mừng rỡ, tôi vội đến chiếc bục sách xiêu vẹo của ba và lôi ngay quyển sách ấy ra. Đó là một quyển sách rất to nên cũng không quá khó để nhận ra nó. Vội nổ máy chiếc Honda, tôi chở cậu em cầm theo cuốn sách rồi nhắm hướng Quốc lộ mà chạy…
Mới vừa lúc nãy đây, hai anh em chúng tôi còn cảm thấy lưu luyến khi phải tạm biệt một người xa lạ và chưa biết đến khi nào mới được gặp lại thì giờ đây anh em chúng tôi đã bắt kịp ông. Có những khoảnh khắc trong cuộc đời khiến chúng ta không thể nào quên được, và khoảnh khắc lần này cũng vậy. Người đàn ông cũng vẫn hai tay đẩy chiếc xe đạp từng bước nặng nề tiến về phía trước. Dù trời đã về chiều, cái nắng có phần bớt gắt. Nhưng ôi! Cảm giác của tôi về một “dân chơi” sao mà thương quá đỗi. Gặp ông trên đỉnh dốc Găng – một con dốc cao và hiểm trở có tiếng ở khu vực miền Trung, tôi lật ngay trang sách có bài thơ “Lửa cháy thành Sài Gòn” của ông. Bây giờ nhà thơ xúc động lắm, ông đưa cánh tay nổi đầy “da gà” cho anh em chúng tôi xem rồi ông bồi hồi kể về những câu chuyện phản chiến trong thế hệ của ông và ba tôi với lối dẫn chuyện đầy nghiêm nghị thay cho vẻ hóm hỉnh, cà rỡn như lúc đầu.
Ngửa mặt hít một làn gió Nồm dịu nhẹ từ biển thổi lên đỉnh dốc, ông căn dặn: “Mai mốt con vào Sài Gòn trọ học, có dịp ra Phan Thiết thì đến Ga xe lửa cũ hỏi chú thì hầu như ai cũng biết.” Từ đó về sau, tấm danh thiếp của ông là thứ duy nhất không thuộc thể loại “giấy tờ tùy thân” mà tôi luôn mang theo.
Mùa hè năm 2016, tức là sau hơn 10 năm học tập và làm việc ở Sài Gòn thì tôi mới có dịp ra Phan Thiết. Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là phải ghé thăm nhà thơ Nguyễn Như Mây. Đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp lại ông nhưng là lần duy nhất cho tới nay tôi được gặp ông ở tư gia Phan Thiết. Nhà thơ bây giờ hai chân đi không còn vững do tác động của tuổi già nhưng vẫn hăng hái dắt chiếc Future II đời đầu – chiếc xe mà ông thường hay “đi phượt” và ghé lại nhà tôi mỗi lần về quê ngoại ở Hội An, chở tôi dạo một vòng thành phố Phan Thiết. Với lối nói chuyện hóm hỉnh, tôi có cảm tưởng rằng những con người mà ông bắt gặp trên đường hầu như ai cũng là người quen. Ông kể tôi nghe những câu chuyện thú vị về ngôi trường “Giáo dục Thanh niên” Dục Thanh nổi tiếng; về tháp nước Château d’eau biểu tượng của Phan Thiết – công trình được thiết kế bởi Hoàng thân Lào Souphanouvong khi ông đang là du học sinh trường Albert Sarraut, một trường trung học nổi tiếng khu vực Đông Dương tại Hà Nội. Rất nhiều điều thú vị về thành phố Phan Thiết, về con người Bình Thuận mà tôi được nghe ông kể vì có thời gian dài ông tham gia trong ngành văn hóa địa phương, rồi chuyển sang công tác tại Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bình Thuận. Nhưng rồi vì cái chất lãng du, giang hồ mà ông xin thôi không tham gia công tác nữa như những dòng thơ chính ông tự bạch:
Quen đi nên ít ở nhà
Nước sông gạo chợ thành ra Giang hồ…
Tập thơ được tác giả thực hiện thủ công và ký tặng nhân dịp tôi đến thăm ông tại tư gia ở Phan Thiết năm 2016.