Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa
Lư Tuấn Nghĩa là một nhân vật hư cấu trong tác phẩm Thuỷ Hử của Thi Nại Am. Tác giả đặt nickname cho ông là Ngọc Kỳ Lân (Lân Ngọc), mình cao chín thước, mắt sáng như sao, tướng mạo tựa Thần, liệt vào hàng Tam kiệt Hà Bắc. Khi lên Lương Sơn, ông từ chối chức trại chủ nên xếp thứ hai sau thủ lĩnh Tống Giang.
Lư Tuấn Nghĩa xuất thân giàu có, là một viên tướng triều đình, nhưng vì bị hãm hại nên quy điền làm một Viên ngoại nhàn rỗi ở thành Hà Bắc. Lúc Lư Tuấn Nghĩa về đây thì Yến Thanh mới 13 tuổi, vì mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên được Viên ngoại đem vào phủ cho làm gia nô, được ông truyền dạy võ nghệ, cưng chìu hết mực, coi như con nuôi. Yến Thanh vì thế mà hết sức trung thành, sau này lớn lên nhiều lần xả thân, kể cả cướp pháp trường để cứu chủ nhân. Cùng với tài năng và vẻ ngoài lãng tử của mình, Yến Thanh trở thành nhân vật phải nói là hoàn mỹ nhất trong số 108 vị hảo hán, trái với kết cục có phần uất ức, bi thương của chủ nhân Lư Tuấn Nghĩa cũng như đa phần các vị hảo hán khác.
Tạo hình Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa trong phim Tân Thủy Hử.
Cái tên Lư Tuấn Nghĩa ý nói người có nghĩa cử đẹp, xứng danh anh hùng nghĩa hiệp. Sao chiếu mệnh của ông là Thiên Cương Tinh. Khi lên Lương Sơn, Tống Giang rất ngưỡng mộ tài năng đức độ và danh tiếng của Tuấn Nghĩa, đã khẩn khoản mời ông nhận chức trại chủ. Ông đã vì nghĩa mà cự tuyệt.
Trước đó, Tiều Cái – vị trại chủ tiền nhiệm – bẻ đôi mũi tên trúng độc truyền “di mệnh” rằng: “Ai giết được Sử Văn Cung trả thù cho ta thì người đó làm trại chủ”. Tống Giang và Lư Tuấn Nghĩa nhiều lần nhường nhau chức trại chủ, bèn giao ước chia quân đánh Tăng Đầu thị, nhằm xem ai giết được Sử Văn Cung. Tống Giang đánh bại quân Tăng Đầu thị, Lư Tuấn Nghĩa bắt được Sử Văn Cung không giết mà đem nộp cho Tống Giang. Tuy từ chối làm trại chủ nhưng ông vẫn là nhân vật trung tâm, đứng thứ hai Lương Sơn Bạc.
Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa lập nhiều công trạng cho Lương Sơn, tuy không đánh trận liên miên như những chiến tướng khác nhưng hễ trận nào khó là có ông: Đánh bại thiên địch Đồng Quán, đánh bại cẩu quan Thái úy Cao Cầu, Bắc phạt nước Liêu (tộc người Khiết Đan của chàng Kiều Phong trong Thiên Long Bát Bộ), cuối cùng Nam chinh đánh Phương Lạp; xứng danh là nhân vật “cả đời bất bại”.
Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa cả đời chinh chiến là thế, tuy nhiên biến cố lớn nhất đời ông không đến từ những trận thư hùng nơi sa trường hay những lần bị bọn cẩu quan hãm hại mà đến từ những người kề cận nhất. Phu nhân ông cùng tên gia nhân Lý Cố có mối gian tình, hãm hại, vu khống ông tạo phản nhằm chiếm đoạt gia sản rồi tính đưa nhau đi trốn. Haizz!!! Quả là nuôi ong tay áo. Giá mà Lãng tử Yến Thanh cũng oán hận ông vì trận bị đòn oan – hệ quả của việc đôi gian phu dâm phụ kể trên bày ra mà không liều chết xả thân cứu chủ thì chắc là ông đã chầu Diêm Vương trước khi lên Lương Sơn rồi.
Chiến công cuối cùng của các anh hùng Lương Sơn Bạc là đánh bại đoàn quân khởi nghĩa của Phương Lạp. Trận này quân Lương Sơn tổn thất khá nặng, nhiều hảo hán anh dũng tử trận hoặc ốm chết dọc đường. Trong số những người còn sống sót trở về, có người quy thuận triều đình, số vị không chịu quy thuận cũng không ít, họ từ bỏ bến nước bạc Lương Sơn rồi mỗi người mỗi hướng. Lư Tuấn Nghĩa được phục chức, quay về làm quan triều đình.
Nhưng nỗi khiếp sợ các anh hùng Lương Sơn đã thấm vào máu của những tên quan hèn hạ, họ bày kế nhổ cỏ tận gốc, hãm hại từng người một. Chúng tố cáo Lư Tuấn Nghĩa thu quân, mua ngựa, tích trữ lương thực, liên kết với Tống Giang chờ ngày làm phản. Ngọc Kỳ Lân bị đầu độc bằng rượu có thủy ngân. Lúc đi thuyền về, ông đứng đầu mũi thuyền ngắm cảnh sông nước đã trở lại yên bình, lúc này thuỷ ngân phát tán chạy vào tuỷ, vào bụng. Lư Tuấn Nghĩa run chân đứng không vững, lại vì chếnh choáng hơi men nên sẩy chân ngã xuống sông Hoài ở chỗ nước sâu mà chết. Cái chết có phần uất ức, và đó cũng là số phận chung của hầu hết các anh hùng Lương Sơn một thời “Chọc trời khuấy nước”.