Thiết Lĩnh Côn – Côn Nhị Khúc cực dị của người Việt

     Khi nói đến Côn nhị khúc thì chắc hẳn hầu hết chúng ta sẽ nghĩ ngay đến một loại vũ khí khá phổ biến được sử dụng rộng rãi từ các môn võ truyền thống cho tới các môn võ hiện đại. Người làm cho loại vũ khí này trở nên nổi tiếng khắp thế giới chính là huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long. Thế nhưng hiếm ai biết rằng ở Việt Nam chúng ta cũng đã và đang tồn tại một loại “côn nhị khúc” rất đặc trưng, độc đáo và uy lực không hề thua kém, thậm chí có thể nói rằng ăn đứt loại côn nhị khúc (nunchaku) mà chúng ta thường biết đến. Vũ khí đó chính là Thiết Lĩnh Côn, một loại “côn nhị khúc” độc đáo của người Việt Nam.

     Phàm những việc gì trên đời mang tính cứng cáp, mạnh mẽ thì gọi là “Thiết”. Chẳng hạn “Thiết kỵ” ý nói đoàn kỵ binh được trang bị mũ giáp đầy đủ; “Thiết bản” để ám chỉ cây “Gậy như ý” của Tôn Ngộ Không. Còn “Thiết côn” tức là cây gậy sắt (hoặc rắn chắc như sắt). Vậy “Thiết lĩnh côn” là cây côn rắn chắc, uy lực đứng hàng đầu (lĩnh trong từ tướng lĩnh, thủ lĩnh…  nghĩa là hàng đầu)

     Thiết Lĩnh Côn là một loại vũ khí dài rất lợi hại tương truyền được phát triển từ dụng cụ lao động có tên gọi là “Néo” dùng để đập lúa. Vũ khí này gồm hai thanh côn (bằng kim loại hoặc gỗ cứng), một thanh dài gọi là thanh mẹ và một thanh con ngắn hơn được nối với nhau bằng sợi dây thừng hoặc xích sắt, thoạt nhìn mang vẻ giống như trường côn.

Thiết lĩnh côn

Lão Võ sư thị phạm Thiết Lĩnh Côn (Ảnh St). 

     Thiết lĩnh thuộc họ nhà côn (roi, gậy) nên kỹ thuật thiết lĩnh có phần giống như côn bao gồm tém-gạt, đâm-thọc, đập… nhưng vì có thêm phần đoản côn làm cho thiết lĩnh có tính cách đặc trưng và trở nên lợi hại, nguy hiểm hơn đồng thời cũng khó sử dụng hơn côn một phần. Vũ khí này khi sử dụng tùy nơi rộng hẹp mà cầm cây mẹ vung đánh bằng cây con hoặc cầm cây con vung đánh bằng cây mẹ. Trường hợp tung đòn đánh từ cây mẹ thì phần con rất linh hoạt có thể tấn công, câu móc được vũ khí đối thủ; ngược lại trong trường chẳng may bị bao vây thì có thể nắm chắc phần đoản côn rồi quay vòng phần gậy để đả thương áp chế đối thủ mà phá vòng vây.

     Vì hai đoạn côn của Thiết lĩnh được nối mềm mại với nhau nên khi đánh lực ly tâm tạo ra âm thanh vun vút bên tai và sức công phá rất mạnh mẽ. Các loại vũ khí khác gặp thiết lĩnh rất khó chống trả vì thiết lĩnh là thứ vũ khí vừa có tính nhu vừa có tính cương nên rất khó lường. Muốn phá thiết lĩnh tương truyền phải dùng dây thừng hoặc cành tre khiến cho thiết lĩnh vướng vào mà không vung được nữa.

Mẫu tử côn - Võ lâm Phật gia

Thiết Lĩnh – Võ sư Nguyễn Phi Linh – Võ Lâm Phật Gia (Ảnh: volamphai.com)

     Ngày nay loại vũ khí này tuy không còn phổ biến rộng rãi nhưng trong một số võ phái cổ truyền Việt Nam như Võ lâm Phật gia, Bình Định Sa Long Cương hoặc nếu có dịp về vùng đất võ Tây Sơn – Bình Định, ghé thăm một số võ đường nổi tiếng các bạn sẽ có dịp tận mắt chứng kiến các thế võ, bài quyền của loại binh khí đặc dị này.

     Mời các bạn cùng xem bài Thảo Thiết Lĩnh của Võ phái Võ lâm Phật gia do Võ sư Lý Băng Sơn thị phạm nhé.

Còn dưới đây là bài song luyện Thiết lĩnh côn đấu Thương của môn phái Bình Định Sa Long Cương