Gác Tầm Dương Tống Giang đề thơ tâm huyết
Trong tác phẩm Thủy Hử của Thi Nại Am, điển tích Tống Giang đề thơ xuất hiện ở hồi giữa bộ tiểu thuyết khi Tống Giang đang lưu đày ở Giang-châu do phạm tội sơ ý giết Diêm Bà Tích.
Bối cảnh của giai thoại này là lúc bấy giờ Tống Giang vừa qua cơn hoạn nạn, trong người cảm thấy hơi phấn chấn trở lại thì có ý muốn Đới Tung đến chơi mà mong hoài chẳng thấy nên một mình vào thành tìm người nói chuyện giải khuây. Nhưng ở nơi lưu đày xa lạ này Tống Giang cũng chẳng có mấy ai quen biết. Chàng bèn đi tìm nhà Viện-trưởng Đới Tung. Dò la phố xá một hồi thì người ta bảo:
“Đới Viện-trưởng không có vợ con nhà cửa, chỉ trú tạm ở Am Quan Âm bên cạnh vách miếu Thành Hoàng gần đó”. Tống Giang vội vàng tìm đến nơi thì thấy khóa cửa đi vắng; chàng bèn quay ra hỏi thăm tìm nhà Hắc Toàn-phong Lý Quỳ thì:
“Anh ta không có nhà cửa cũng không rõ ở đâu. Thường ngày vẫn cứ quanh quẩn ở trong nhà lao. Khi rỗi thì cứ ở chỗ này vài hôm, chỗ khác vài hôm không biết đâu mà tìm được”. Tống Giang nghe vậy lấy làm buồn bực rồi thì hỏi tiếp nhà Trương Thuận: “Hắn vẫn ở làng xóm ngoài thành, thỉnh thoảng có thu nhặt tiền nong thì mới vào thành mà thôi.”
Tống Giang một mình lẩn thẩn bước đi ra nẻo bờ sông xem may ra có gặp Trương Thuận. Đang trong lúc vơ vẩn ngắm cảnh vật bên sông, chợt đâu xa xa trước mắt hiện ra một tòa tửu lâu, bên cửa treo một lá cờ viết mấy chữ “Hiệu chính sông Tầm Dương”, giữa bức hiên chạm treo đề ba chữ “Lầu Tầm Dương” viết rất lớn.
Tống Giang thấy vậy tự nghĩ một mình rằng “Khi ta ở Vận-thành vẫn nghe lầu Tầm Dương ở đất Giang-châu rất đẹp. Ai ngờ lại chính là đây”. Nghĩ vậy chàng liền bước tới nơi thấy hai bên cửa đỏ, bên lầu đều có biển trắng mỗi bên viết năm chữ: “Lầu lớn trong thiên hạ – Rượu ngon nhất thế gian”. Tống Giang lên trên gác chọn một chỗ ngồi gần phía ngoài sông rồi tựa hàng lan can nhìn ra phong cảnh mà khen ngợi vô cùng:
“Ta tuy bị tội đến đây. Song ngắm những sơn thủy thế này dẫu đến danh sơn cổ tích xứ mình cũng không sao mà ví được.”
Lúc hơi men nghe chừng đã chếnh choáng, Tống Giang lại nói một mình: “Ta sinh ở đất Giang Đông, lớn lên ở đất Vận-thành làm Lại xuất thân, kết giao không biết bao giang hồ hảo hán. Tuy có chút hư danh, song hiện nay công nghiệp cũng chẳng ăn thua, lại còn bị đày ải đến đây khiến cho ta bao giờ về được cố hương mà trông thấy phụ huynh tôn tộc!”.
Nghĩ đến đó thì tất lòng cố quốc tha hương, trông cảnh giang hồ mà tầm tã hai hàng lệ nhỏ. Chàng liền nghĩ một bài tức cảnh Tây Giang Nguyệt rồi gọi tửu bảo mượn bút nghiên để viết. Chợt đâu đứng lên nhìn hai bên vách phấn thấy có nhiều văn thơ của người xưa đề vịnh, chàng liền nghĩ thầm trong bụng rằng:
“Tiện đây bất nhược ta viết ngay lên vách phấn để làm di tích ở đất Giang-châu. Sau này dù có hiển vinh, qua đất này trông thấy mấy câu ở trên vách phấn kia cũng nhắc lại cho ta biết cái cảnh huống bây giờ. Thế này thật là cùng cực!” Chàng nói đoạn liền nhân lúc tửu hứng, mài mực đặc, lấy bút đẫm rồi viết lên vách phấn mây câu:
Tự ấu tằng công kinh sử,
Trưởng thành diệc hữu quyền mưu.
Kháp như mãnh hổ ngọa hoang khâu,
Tiềm phục trảo nha nhẫn thụ.
Bất hạnh thích văn song giáp,
Na kham phối tại Giang Châu.
Tha niên nhược đắc báo oan cừu,
Huyết nhiễm Tầm Dương giang khẩu!
Dịch nghĩa
Từ nhỏ theo đòi kinh sử
Lớn lên cũng có quyền mưu
Giống như mãnh hổ nằm đồi hoang
Kín nanh giấu vuốt nhẫn phục
Chẳng may thích chữ hai má
Chịu cảnh đày ải ở Giang châu
Mai kia báo được nỗi oan thù
Máu nhuộm bến sông Tầm Dương.
Tống Giang viết xong xem ngắm một mình lấy làm vui mừng thích chí. Chàng lại ngồi uống luôn mấy chén nữa rồi múa chân múa tay cười nói một mình mà cầm bút viết thêm mấy câu nữa:
Tâm ở Giang Đông thân ở Ngô,
Mấy phen than thở mấy giang hồ,
Ngày sau như thỏa lòng non nước,
Mới biết Hoàng Sào cũng trượng phu.
Viết cạn lại thêm mấy chữ “Vận-thành Tống Giang đề” ở dưới, rồi vứt bút xuống bàn, một mình ngồi ngâm đọc hồi lâu. Lại uống thêm mấy chén rượu đầy, nghe chừng rượu đã quá say liền gọi tửu bảo lên tính trả tiền hàng rồi đứng dậy giũ áo mà đi.
Tống Giang lâu nay vẫn mang nặng tư tưởng của một đấng “con Hiếu – tôi Trung”. Cho dù nhiều lần có thể bỏ trốn nhưng chàng một mực chấp nhận án lưu đày theo ý phụ huynh, cầu mong một ngày “phục lương”. Sự việc đề thơ này là một diễn biến hết sức mới mẻ, là phút xuất thần thể hiện tâm tư, khát vọng của Tống Giang. Và là bước ngoặc khiến Tống Giang không còn cách nào khác ngoài chuyện phải chấp nhận việc mà trước đây chàng đã nhiều lần khước từ: gia nhập Lực lượng Lương Sơn Bạc.