Bá Phù – Tôn Sách

Xuất thân: Ngô quận, Giang Đông. Là con trai trưởng của Trường sa Thái thú Tôn Kiên.

Tên chữ (Tự): Bá Phù.

Tên gọi khác: Tiểu Bá-vương.

Thụy hiệu: Trường-sa Hoàn-vương. 

Vai trò: Tiếp nối cơ nghiệp cha, giữ vai trò Thủ lĩnh cát cứ vùng Giang Đông.

   Nương nhờ Viên Thuật: Từ lúc cha là Tôn Kiên bị quân Kinh Châu của Lưu Biểu sát hại thì Tôn Sách mới có mười sáu tuổi, thế lực chưa đủ sức cát cứ nên phải nương nhờ dưới trướng Viên Thuật. Ở bên họ Viên, dù còn trẻ tuổi nhưng Tôn Sách đã không ít lần ra tay đẩy lui tướng địch thâu tóm thành trì khiến cho Viên Thuật yêu Sách lắm, và hay than rằng: “Giá như ta có được đứa con như Tôn Lang, chết cũng không ân hận gì nữa!”

   Đánh bại Lưu Do: Một trong những chiến công lớn của Tôn Sách khi còn dưới trướng Viên Thuật ấy chính là đánh bại Thứ-sử Dương-châu Lưu Do. Trước đó, giữa Viên Thuật và Lưu Do đã có sự xung đột; Thuật sai Ngô Cảnh (cậu Tôn Sách) và Tôn Bí (anh họ Sách) đánh mãi hơn một năm trời mà chưa hạ được các thành trì do Lưu Do chiếm giữ nên Tôn Sách xin lĩnh binh đi hỗ trợ đánh Lưu Do. Ở chiến dịch này, trong một trận ác chiến, Tôn Sách bị tên giặc bắn vào đùi. Khi rút quân về doanh trại, ông cho loan tin rằng mình đã chết. Quân Lưu Do tưởng thật nên ngay tối hôm ấy đem quân đi đánh úp, đến khi nhận ra mẹo lừa thì đã bị phục binh Tôn Sách đổ ra đánh cho tan tác. Từ đó lực lượng Tôn Sách ngàng càng cường thịnh, dần chiếm thành trì, đánh đuổi Lưu Do phải bỏ chạy về Dự Chương.

Bá Phù - Tôn Sách
Bá Phù – Tôn Sách.

Trở về Giang Đông: Từ ngày nương nhờ dưới trướng Viên Thuật, Bá Phù Tôn Sách đã đánh đuổi nhiều thế lực, củng cố mở rộng lãnh thổ về cho họ Viên. Thế nhưng với bản tính tráo trở hứa rồi lại quên của Thuật cũng như mưu đồ phục hưng cơ nghiệp của cha để lại nên Tôn Sách chờ đợi thời cơ mong một ngày về lại Giang Đông.

   Một hôm sau bữa tiệc, Sách về trại bỗng ôm mặt khóc hu hu vì thương nhớ người cha anh hùng đã khuất; còn mình thì lưu lạc, dù lập nhiều công lao nhưng chẳng được Viên Thuật coi trọng nên lấy làm buồn tủi. Bấy giờ có một người hiểu được nỗi niềm của Sách nên cười lớn bước ra bày mẹo, ấy chính là Chu Trị vốn làm Tòng sự của Tôn Kiên ngày trước. Người này bày Tôn Sách mượn một ít quân Viên Thuật để đi cứu cậu ruột là Thái thú Ngô Cảnh đang bị quân giặc bức bách ở Giang Đông. Viên Thuật với bản tánh tham lam, ích kỷ lại có mưu đồ bá vương nên khi Tôn Sách chìa bảo bối Ngọc tỷ Truyền quốc xin để lại làm tin thì Thuật miệng nói tản đi mà lòng thì mừng rỡ liền vồ lấy ngay.

   Bảo bối Ngọc tỷ đổi lấy ba nghìn binh lính cùng năm trăm ngựa tốt thì hời lắm thay. Tưởng là như thế!

Bá Phù - Tôn Sách.
Trường-sa Hoàn-vương Tôn-sách. (Ảnh: Wikipedia)

Cái chết: Tôn Sách bị ám sát lúc đi săn.

   Tôn Sách từ khi về lại Giang Đông, được nhiều hiền tài tướng giỏi ra sức phò trợ nên nhanh chóng trở thành một thế lực hùng mạnh. Bấy giờ Thái thú Ngô quận là Hứa Cống thấy thanh thế Tôn Sách ngày càng cường thịnh mà lo sợ bèn lập mưu ám hại. Thế nhưng do hành sự bất cẩn bị bại lộ mà Hứa Cống bị Tôn Sách giết đi. Họ hàng nhà Hứa Cống trốn đi cả nhưng có ba người gia khách muốn báo thù cho chủ mà chưa có dịp nào thuận tiện. Một hôm Tôn Sách đem quân đi săn ở đất Đàn Đồ gặp một con hươu lớn chạy ra, Sách tế ngựa lên núi đuổi theo thì gặp ba người đeo cung cầm giáo đứng rình. Biết Tôn Sách là một tay anh dũng nên cả ba tìm cách tiếp cận thật sát rồi thì đột ngột kẻ đâm người bắn. Sách có một mình, lại chỉ trang bị những đồ dùng tiện cho việc săn bắn nên không sao chống nổi, bị liền mấy nhát đâm. Bọn cận vệ là Trình Phổ nghe tiếng kêu la liền phi ngựa ứng cứu, băm dằm cả ba gia khách nát như bùn rồi cấp cứu Tôn Sách. Thế nhưng do trọng thương nên Bá Phù phải chết không lâu sau đó. Trước lúc lâm chung, Bá-phù Tôn-sách kịp để lại di huấn, giao cơ nghiệp cho người em là Tôn Quyền nắm giữ. Lúc này Quyền mới vừa mười tuổi, nên Sách còn căn dặn thêm “về sau nếu có việc trong không quyết thì hỏi Trương Chiêu, việc ngoài không quyết thì hỏi Chu Du.” Nói rồi nhắm mắt xuôi tay, người anh hùng Giang Đông năm ấy ra đi khi mới chừng hai lăm tuổi.

   Người đời sau có thơ khen rằng: 

Một tay gầy dựng cõi Đông phương
Ai cũng khen là Tiểu Bá-vương
Thủ hiểm vững như hình hổ cứ
Quyết cơ nhanh tựa thế ưng dương.

Ba sông phẳng lặng oai hùng dũng
Bốn bể vang lừng tiếng vẻ vang
Việc lớn dặn dò khi nhắm mắt
Một lòng gắn bó cậy Chu lang.