Diệu Tài – Hạ Hầu Uyên
Quê quán: quận Tiêu nước Bái thuộc Dự châu.
Tên chữ (Tự): Diệu Tài.
Vai trò: Võ tướng phe Tào Tháo.
Xuất hiện: Hồi thứ 5 đến hồi thứ 71.
Trong Tam quốc Diễn nghĩa của La Quán Trung thì Hạ Hầu Uyên xuất hiện từ khá sớm, ngay hồi thứ 5 sau khi Tào Tháo trốn khỏi kinh thành, về quê nhà kêu gọi quần hùng cùng nổi lên chống Đổng Trác. Bấy giờ Hạ Hầu Uyên theo người anh họ là Hạ Hầu Đôn, vốn dòng dõi Hạ Hầu Anh năm xưa, cùng một nghìn tráng sĩ sang hợp với Tháo. Hai người ấy vốn là anh em cùng họ với Tào Tháo, vì Tháo nguyên cũng là họ Hạ-hầu, tại bố Tháo là Tào Tung vào làm con nuôi họ Tào, nên mới đổi ra là họ Tào.
Sự nghiệp:
Năm 198, Hạ Hầu Uyên cùng Tào Tháo tham gia trận Hạ Bì chống lại Lã Bố. Kết cục của trận chiến là cái chết của Ôn-hầu Lã Bố. Hai năm sau, Tào Tháo và Viên Thiệu đại chiến tại Quan Độ, Hạ Hầu Uyên làm nhiệm vụ bảo vệ doanh trại và tiếp tế lương thảo. Sau khi giành phần thắng ở cuộc chiến quan trọng này, thanh thế Tào Tháo ngày càng lẫy lừng, bành trướng. Khi đó Hạ Hầu Uyên được thăng làm Đốc quân Hiệu úy, chuyển sang việc quản quân lương ở ba châu: Duyện, Dự và Tư Lệ.
Năm 215 sau khi đánh bại Trương Lỗ và chiếm lấy Hán Trung thì Tào Tháo sai Hạ Hầu Uyên cùng Trương Cáp ở lại trấn giữ. Bấy giờ phe Lưu Bị đang vào thời kỳ hưng thịnh nên cũng lăm le dòm ngó dẫn đến những xung đột giữa đôi bên dần gia tăng theo thời gian cho đến khi Hán Trung về tay Lưu Bị.
Cái chết: Bị lão tướng Hoàng Trung phe Lưu Bị giết.
Bấy giờ, sau khi đánh cho đội quân Trương Cáp đại bại thì uy danh lão tướng Hoàng Trung vang tận Hứa Đô khiến Tào Tháo phải lập tức xuất chinh để đốc thúc tướng sĩ. Phía ngoài mặt trận thì Hạ Hầu Uyên đang giữ núi Định Quân nghe tin Tào Tháo sắp đến nên Uyên cũng chưa vội động binh mà còn đợi lệnh chủ soái. Lúc này có người mưu sĩ vốn biết Hạ Hầu Uyên thường cậy khỏe mà hành sự bất cẩn nên khuyên Tào Tháo viết một phong thư đại lược như sau:
“Phàm làm tướng có lúc nên cứng, có lúc nên mềm. Nếu chỉ biết cậy sức khỏe mình thì chỉ địch được một người mà thôi. Nay ta đóng đại quân ở Nam Trịnh muốn xem cái “Tài giỏi” của ngươi, chớ có phụ hai chữ đó mới được.”
Chú thích: Hạ Hầu Uyên tên tự Diệu Tài, ý nói Tài giỏi Diệu kỳ.
Nói về phe Lưu Bị thì Hoàng Trung là lão tướng dày dặn, hành sự cẩn mật thận trọng, lại có Pháp Chính giúp sức bày mưu nên khí thế hăng hái mà thế trận thì chặt chẽ. Pháp Chính bày Hoàng Trung thừa sự chủ quan, phòng bị lỏng lẻo mà chiếm ngay ngọn núi đất Đối Sơn thì từ trên đỉnh núi ấy có thể dòm sang Định Quân, là nơi đặt bản doanh của Hạ Hầu Uyên.
Bộ tướng của Hạ Hầu Uyên là Đỗ Tập đang đêm thấy quân Hoàng Trung kéo lên chiếm Đối Sơn thì hớt hãi bỏ chạy về báo chủ tướng. Hạ Hầu Uyên hay tin, vừa tức tối vừa lo lắng vì giờ đây mỗi nhất cử nhất động đều bị phía Hoàng Trung quan sát. Dù được Trương Cáp can ngăn do Cáp từng khinh già mà thảm bại dưới tay Hoàng Trung, nhưng Hạ Hầu Uyên không nghe và chê Trương Cáp hèn nhát, bèn xuất quân sang vây kín Đối Sơn thách đánh. Mặc cho quân Uyên hò reo thúc trống khoa trương rồi chửi bới, quân Hoàng Trung vẫn lẳng lặng án binh bất động. Đến quá trưa, Pháp Chính đứng trên núi cao thấy nhuệ khí quân Tào đã giảm, đội ngũ xộc xệch trễ nãi thì phất một lá cờ, rồi tiếng trống, tiếng tù và, tiếng hò reo ầm ĩ; Hoàng Trung bỗng đâu từ lưng chừng núi thần tốc tế ngựa xông ra, đại quân kéo ùa theo sau như trời long đất lở. Hạ Hầu Uyên chưa kịp định thần thì lão tướng Hoàng Trung đã sấn đến trước mặt quát to một tiếng như sét đánh. Uyên toan đón đỡ thì lưỡi đao của Trung đã phập xuống từ đầu đến vai, xả Uyên ra làm hai mảnh.
Hạ Hầu Uyên là một dũng tướng đi theo Tào Tháo từ những ngày đầu gầy dựng lực lượng, lại là họ hàng với Tháo. Nên mất Hạ Hầu Uyên thì Tào Tháo như mất một cánh tay, ứng nghiệm lời thầy bói Quản Lộ khi xưa: “Năm Kiến An thứ 24, mé Nam núi Định Quân gãy một cánh tay.”