Vị chúa Nguyễn cuối cùng ở xứ Đàng Trong?
Ngày nay nếu có dịp ghé thăm di tích cố đô Huế – kinh đô một thời của vương triều Nguyễn, chúng ta sẽ dễ dàng được nghe thuyết minh rành mạch về câu chuyện “9 đời chúa – 13 đời vua” của dòng họ Nguyễn tồn tại gần 400 năm trong một giai đoạn lịch sử tương đối đặc biệt của nước ta. Nếu như chúa Tiên Nguyễn Hoàng là vị chúa đầu tiên đặt nền móng cho vương triều Nguyễn về sau, bắt đầu từ năm 1558 thì Bảo Đại là vị vua cuối cùng khi tuyên bố thoái vị năm 1945, chấm dứt hoàn toàn chế độ phong kiến tồn tại hàng ngàn năm ở nước Việt. Vậy thì Nguyễn Phúc Ánh (tức Nguyễn Ánh) trước khi đánh bại hoàn toàn nhà Tây Sơn năm 1802 rồi xưng Hoàng đế Gia Long – vị vua đầu tiên của vương triều Nguyễn thì Nguyễn Phúc Ánh đã từng là một vị chúa Nguyễn “chính hiệu” hay chưa, có là một trong chín vị chúa Nguyễn kia? Hay “chúa Nguyễn Ánh” là một danh xưng được nhiều người ủng hộ ông tự đặt ra, được truyền gọi lâu ngày mà thành quen trong dân gian? Và vị chúa Nguyễn cuối cùng là ai, liệu sau vị chúa thứ Chín – Định vương Nguyễn Phúc Thuần thì còn có vị chúa Nguyễn nào nữa…?
Chuyện kể từ thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát – vị chúa thứ Tám của dòng họ Nguyễn khai phá xứ Đàng Trong nước Đại Việt…
Lúc sinh thời, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát có người con trai trưởng không may mất sớm nên ông chọn người con thứ chín của mình là Nguyễn Phúc Hạo (còn gọi Nguyễn Phúc Hiệu) là con của bà Chánh cung lập làm Thế tử. Thế nhưng Phúc Hạo lại không may mất sớm mà con của ông thì còn nhỏ tuổi. Thế là Võ vương chọn người con thứ hai của mình là Nguyễn Phúc Luân lập làm người kế vị ngôi chúa – vị chúa Nguyễn thứ Chín trong tương lai.
Bàn về Võ vương Nguyễn Phúc Khoát thì ông được xem là người có công lớn trong việc mở mang bờ cõi về phương Nam, định hình nên vùng đất Nam bộ ngày nay. Đến thời Võ vương thì tập đoàn chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong là một thế lực hùng mạnh đủ sức đương đầu với tập đoàn vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài cũng như đặt sự ảnh hưởng lên các quốc gia lân cận. Bởi thế nên Võ vương Nguyễn Phúc Khoát chính là vị chúa Nguyễn đầu tiên tự xưng vương, tự đúc ấn riêng mặc dù trên danh nghĩa thì ông vẫn là quan của nhà Lê. Sự lớn mạnh ấy đã được Võ vương thể hiện bằng việc đề ra nhiều chính sách cải cách cả trong chính trị lẫn xã hội nhằm phân biệt với đời sống xã hội ở Đàng Ngoài mà nổi bật nhất là việc thay đổi y phục khi gần đây các ban ngành liên quan đã nhiều lần suy tôn Võ vương Nguyễn Phúc Khoát chính là ông tổ của chiếc áo dài phụ nữ truyền thống ngày nay.
Gầy dựng, phát triển, đạt cực thịnh rồi thoái trào đó là quy luật muôn đời của mỗi một thời đại… Nếu như chúa Tiên Nguyễn Hoàng là người gầy dựng, các đời chúa tiếp theo ra sức gìn giữ và phát huy thì đến thời Võ vương cơ nghiệp này đến hồi cực thịnh. Để đến hồi cực thịnh này, các đời chúa Nguyễn mất đúng 200 năm gầy dựng trải qua 8 đời chúa; nhưng để đến hồi suy vong, chỉ cần 20 năm trượt dài từ đỉnh cao Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, cơ nghiệp chúa Nguyễn đã đến sát bờ vực thẳm…
Những năm cuối đời của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, ông bị quyền thần Trương Phúc Loan dẫn vào con đường tửu sắc, dàn dựng một mối tình vụng trộm trái đạo đức với bà Ngọc Cầu – con gái Nguyễn Phúc Điều, là chú ruột của Võ vương. Nguyễn Phúc Khoát mê muội trong cuộc tình, để mặc Trương Phúc Loan hoành hành chính sự khiến lòng dân oán hận. Trương Phúc Loan cậy mình là cậu ruột của Võ vương nên ngày càng thao túng chính sự, chẳng việc gì mà Loan không dám làm. Tội của Loan đối với dân cao như núi, tội với chúa cũng thật tày trời; đó là sửa đổi di mệnh của ngài Võ vương.
Năm 1765, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát qua đời ở tuổi 52. Bây giờ nếu chiếu theo di mệnh của Võ vương thì Thế tử Nguyễn Phúc Luân hiển nhiên sẽ là người kế vị ngôi chúa. Nhưng không! Quyền thần Trương Phúc Loan biết rằng nếu đưa Thế tử Luân lên ngôi thì đó là một điều không hề có lợi cho y bởi vì bấy giờ Thế tử đã ngoài 30 tuổi, đã được tiên chúa sớm lo liệu nên đĩnh đạc lắm rồi. Vậy là Trương Phúc Loan bèn sửa di mệnh, tự ý làm trái lời tiên chúa khi đưa Nguyễn Phúc Thuần – cậu bé 12 tuổi là kết quả của cuộc tình trái đạo đức giữa Võ vương với bà Ngọc Cầu lên ngôi chúa, tức Định vương – vị chúa Nguyễn thứ Chín; và không quên bắt Thế tử Luân nhốt vào ngục.
Sáu năm sau… Vào năm 1771 tại vùng Tây Sơn Bình Định, vì bất bình trước cảnh áp bức của bọn cường quyền, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đứng lên khởi nghĩa, kêu gọi nhân dân trong vùng cùng giương ngọn cờ “Diệt Trương Phúc Loan – Phò chúa Nguyễn”. Với mục tiêu cao cả ban đầu ấy, phong trào Tây Sơn được nhân dân mà đặc biệt là tầng lớp dân nghèo hưởng ứng mạnh mẽ vì thế nên nhanh chóng lớn mạnh. Một mặt, chính quyền chúa Trịnh ở Đàng Ngoài nghe tin tình hình Đàng Trong đang có biến nên cũng đem quân vào tham chiến. Trải qua hơn trăm năm với hàng chục cuộc chiến lớn nhỏ, xét về tổng thể thì cuộc chiến Trịnh – Nguyễn bất phân thắng bại. Nhưng lần này, với sự xuất hiện của danh tướng Hoàng Ngũ Phúc, quân chúa Trịnh đã kéo vào tận kinh đô Phú Xuân, một động thái chưa từng có tiền lệ. Vậy là chính quyền chúa Nguyễn bị kìm kẹp bởi hai thế lực Tây Sơn từ phía Nam và chúa Trịnh từ phía Bắc. Nhận thấy cơ nghiệp hơn 200 năm của tiền nhân sắp đi vào hồi kết, Định vương Nguyễn Phúc Thuần cùng các cận thần bày mưu bắt trói ông cậu Trương Phúc Loan rồi giao nộp cho Hoàng Ngũ Phúc. Tuy nhiên việc làm đó của chúa Nguyễn vẫn chưa đủ thỏa mãn toan tính riêng của mỗi bên chúa Trịnh và Tây Sơn. Đối với chúa Trịnh thì đây là thời cơ không thể tốt hơn để tiêu diệt chúa Nguyễn, chấm dứt cuộc phân tranh; còn đối với quân khởi nghĩa Tây Sơn thì mục tiêu ban đầu của họ đã hoàn thành… được một nửa, ấy là “Diệt Trương Phúc Loan”.
Vấn đề nằm ở chỗ vị “chúa Nguyễn” mà nghĩa quân Tây Sơn muốn “phò” ấy không phải là Định vương Nguyễn Phúc Thuần mà là một vị tôn thất khác trong dòng tộc chúa Nguyễn, ấy chính là Nguyễn Phúc Dương. Định vương do quyền thần Trương Phúc Loan sửa di mệnh của Võ vương mà dựng lên; còn Nguyễn Phúc Dương là con của nguyên Thế tử Nguyễn Phúc Hiệu được Võ vương chỉ định lúc sinh thời. Bởi thế mà trong dân gian lan truyền câu nói:
“Binh triều là binh Quốc phó.
Binh ó là binh Hoàng tôn”
ý nói rằng binh lính triều đình chúa Nguyễn nằm trong tay quyền thần Trương Phúc Loan (tự phong chức Quốc phó), còn “binh ó” tức đội binh lính ra trận thường la ó ầm ĩ (ám chỉ quân Tây Sơn) là lực lượng ủng hộ Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương. Điều này cho thấy sự chia rẽ trong gia tộc chúa Nguyễn cũng như “khẩu hiệu” ủng hộ Hoàng tôn của nghĩa quân Tây Sơn. Bởi thế nên dù có giao nộp Trương Phúc Loan thì sức ép từ hai phe Trịnh và Tây Sơn lên Định vương Nguyễn Phúc Thuần vẫn không hề suy giảm. Diễn biến chính sự tại kinh đô Phú Xuân bây giờ lâm vào tình cảnh nguy cấp như nước lũ sông Trường Giang. Chẳng còn con đường nào khác ngoài việc vội vã bỏ lại kinh đô Phú Xuân chạy về phía nam đèo Hải Vân. Tại đó Định vương Nguyễn Phúc Thuần phong cho Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương làm Đông cung Thế tử trấn thủ Quảng Nam để lo việc chống lại quân Trịnh, còn mình thì đem gia quyến cùng con trai của nguyên Thế tử Nguyễn Phúc Luân (bị Trương Phúc Loan giam cầm rồi chết trong ngục) là Nguyễn Phúc Ánh xuống thuyền chạy vào Gia Định, ấy là những ngày đầu năm 1775.
Tại miền Trung, Đông cung Thế tử Nguyễn Phúc Dương chống cự không nổi cả hai phe Trịnh và Tây Sơn. Bấy giờ một số tướng lĩnh phong trào Tây Sơn cảm thấy ý nghĩa cuộc nổi dậy đã không còn như cũ bèn rời bỏ hàng ngũ Tây Sơn sang hộ giá Thế tử chạy vào Gia Định. Tại Gia Định, Nguyễn Phúc Dương dựa vào phe cánh cũng như danh nghĩa “Hoàng tôn” mà tự lên kế vị ngôi chúa, xưng là Tân Chính vương, tôn Định vương Nguyễn Phúc Thuần làm Thái thượng vương; một mặt vừa tranh chấp giành quyền ảnh hưởng, một mặt vừa phải lo chung sức đánh Tây Sơn nhưng chẳng bao lâu sau thì cả hai đều bị quân Tây Sơn bắt giết. Vậy là các đời chúa Nguyễn bắt đầu từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng năm 1558 đến đời Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương tiếp nối 10 đời, trải dài hơn 200 năm, đến năm 1777 thì hoàn toàn chấm dứt. Nhiều tướng Nguyễn và hoàng thân quốc thích bị quân Tây Sơn tàn sát đẫm máu; duy nhất chỉ có người con trai mạng lớn của nguyên Thế tử Nguyễn Phúc Luân là Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát khỏi lưỡi gươm tử thần của nghĩa quân Tây Sơn.
Như vậy nếu như Nguyễn Phúc Dương dựa vào danh nghĩa Hoàng tôn mà tự lên ngôi chúa thì Nguyễn Phúc Ánh cũng hoàn toàn làm được điều ấy. Thế nhưng ngay sau khi sát hại cả Định vương và Tân chính vương thì nhà Tây Sơn được thành lập vào năm 1778 đánh dấu một thể chế mới ở xứ Đàng Trong. Lúc này những người ủng hộ dòng họ chúa Nguyễn cần một lãnh đạo mới, vậy là họ phò trợ Nguyễn Phúc Ánh xưng vương vào năm 1780, gọi là Nguyễn vương. Đến năm 1802, sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh xưng Hoàng đế và có lẽ vì trước kia Hoàng tôn Dương được Tây Sơn ủng hộ rồi sau đó tranh chấp với Định vương là người đã cưu mang Nguyễn Phúc Ánh cho nên Hoàng tôn Dương đã không được lòng của các đời vua Nguyễn về sau?