Pháo tự hành là gì?

   Đã từ lâu tôi tự hỏi rằng “Pháo tự hành” là gì. Tìm kiếm thông tin và hình ảnh trên mạng thấy cho ra rất nhiều loại Pháo tự hành, và rồi câu hỏi của tôi vẫn không có lời giải bởi vì tại sao Pháo tự hành trông giống Xe tăng quá vậy! Một kíp vận hành xe tăng thì phải có: lái xe, xạ thủ… Thế thì Pháo tự hành thì sao, không lẽ “tự hành” là “tự vận hành”?

Thế hệ 8X chúng tôi hồi còn đi học cấp 1 cấp 2 vẫn thường nghe giảng về anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn xe pháo; hoặc tuổi thơ vẫn hay nghe trên đài ca khúc “Hò kéo pháo” của Nhạc sĩ Hoàng Vân… Nói vậy để hiểu rằng các loại pháo phổ biến ngày trước đa phần là loại súng lớn có bệ đỡ gắn trên hai bánh xe. Khi muốn di chuyển các khẩu pháo này đến nơi tác chiến thì phải dùng sức kéo từ bên ngoài như sức người, vật kéo, hoặc xe…vv 

Hình ảnh Bộ đội kéo pháo.
Hình ảnh Bộ đội kéo pháo.
Một khẩu pháo chuẩn bị khai hỏa
Một khẩu pháo chuẩn bị khai hỏa.

   Pháo tự hành có thành phần tên tiếng Anh là “self-propelled” nghĩa là “tự kéo”. Còn trong chữ Hán thì “Hành” có nghĩa là “đi”. Như vậy “tự hành” là “tự di chuyển, tự đi”. Suy ra “Pháo tự hành” là loại pháo có thể “tự di chuyển” mà không cần sức kéo từ bên ngoài như loại pháo kéo kể trên. Do vậy Pháo tự hành có bề ngoài đa phần trông rất giống Xe tăng hoặc xe Thiết giáp, vì khẩu pháo được gắn trên khung gầm của các loại xe tăng, xe thiết giáp hoặc xe tải…

 

Một mẫu Pháo gắn trên xe Thiết giáp.
Một mẫu Pháo gắn trên xe Thiết giáp.
Một mẫu Pháo Tự hành gắn trên khung xe tải.
Một mẫu Pháo gắn trên khung xe tải.

Trong chiến tranh Việt Nam, từng xuất hiện một mẫu Pháo tự hành rất nổi tiếng do Mỹ sản xuất có tên M107 mà chúng ta vẫn thường nghe bằng một cái tên phổ biến là “Vua chiến trường”.

Pháo tự hành M107
Hình ảnh “Vua chiến trường” M107 ngoài trận địa.
Vua chiến trường M107
Vua chiến trường M107 tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở Q3, Tp.HCM.

Pháo kéo: Đa dạng kích cỡ nòng, đạn. Tầm bắn trải dài từ gần đến xa, từ thấp đến cao. Nhiệm vụ cả trong phòng thủ lẫn tấn công.

Xe tăng: Thường dùng trong hoạt động tấn công và yểm trợ bộ binh tấn công. Xe tăng có tính cơ động cao, tuy nhiên chúng chỉ tác chiến với số đạn có sẵn theo xe. Nếu bị đánh trúng thì thiệt hại lớn vì chi phí đắt đỏ và kíp vận hành đông, thời gian đào tạo lâu.

Pháo tự hành: Thường là loại pháo có hỏa lực mạnh, tầm bắn xa và uy lực hơn so với xe tăng. Riêng M107 Vua chiến trường nghe danh cũng đủ hình dung sức mạnh của loại này. Tuy nhiên vì kích thước lớn nên M107 không cơ động bằng các loại xe tăng; kíp chiến đấu cũng đông và phức tạp hơn nên thời gian khai hỏa rất chậm so với xe tăng cùng thời.

Tiểu Nô-tài.