Tập thơ “Sông Chảy Bên Trời”: Lời bạt của Nhạc sỹ Trần Long Ẩn

NGUYỄN KIM NGÂN, NHÀ THƠ LÃNG MẠN

Nhạc sỹ Trần Long Ẩn

     Tôi không có thói quen đọc thơ hay nghe nhạc ở những “chốn lao xao”. Tôi cũng không thích thúc bách nhựa cây cho hoa hồng nở sớm. Và tôi cũng không bao giờ đặt bút xuống để viết ra bất cứ điều gì khi tôi chưa suy nghĩ kỹ và chưa có cảm xúc mạnh mẽ, chân thành. Bởi nếu như thế thì trên bộ ngực của nghĩa nhân và trách nhiệm sẽ có nhiều lỗ hổng và ở đó “sẽ có gió lùa khủng khiếp!”.

     Bây giờ hãy cho phép tôi nói những gì có thể nói được về Nguyễn Kim Ngân.

     Khi đọc bản thảo tập thơ Sông Chảy Bên Trời của Nguyễn Kim Ngân, tôi thấy ở đây chứa đựng những trang nhật kí bằng thơ đầy uất hận, đầy khí phách về phong trào đấu tranh của học sinh – sinh viên tại các đô thị miền Nam trước năm 1975 như: Mùa học năm nay, Ngọn gió cắt lòng, Đêm xuân, Bác xích lô, Chiếc còng sắt, Lá thư lửa, Người mẹ Bàn Cờ, Những kẻ sợ hòa bình… Hãy tạm gọi đó là Chủ đề I.

      Chủ đề II gồm những bài thơ về đất Phú Yên quê anh, về miền Trung, về Tây Nguyên… mà một phần ký ức sâu đậm anh đã gắn bó, đã sống, đã giữ gìn qua từng bước buồn – vui – sướng – khổ, có yêu thương, có mất mát, có căm hờn: Quê hương chìm đắm, Khuya vắng, Lớn từ đỉnh núi, Gió bấc, Vườn hoang, Quê nhà, Hồn áo trắng, Trăng trên dòng thời gian, Xuân trong mộng tưởng, Những ngày ở Kon Tum, Viên cuội đỏ, Vĩnh biệt Phương Mai, Chiều quê hương, Trời Cẩm Tú, Một thời để nhớ, Lên rừng tự họa chân dung, Đường về Phú Yên, Cái giếng, Cảm hoài, Miền Trung, Thương nhớ chiều quê, Phương ấy, Quê hương như giọt mật, Về An Lĩnh, Tết quê ngày ấy, Một đêm ở Phú Hiệp, Những bước chưa đi (Về quê Bác)…

      Chủ đề III là những bài thơ da diết, lãng mạn, viết bằng chính trái tim luôn thổn thức yêu đương, diễm ảo, nhiều khi nghe chừng đang rạn vỡ: Cố nhân, Lỡ lời, Lỡ sinh tôi, sinh em, Mùa xuân cuối cùng, Phấn trắng, Mưa đầu mùa, Dòng sông lặng lẽ, Trở lại đêm mưa, Hai sự kiện trong một ngày, Những tà áo bay qua, Đêm gió gọi, Hãy hát đi em, Trên nhánh cây mùa đông, Thoảng qua, Có một thiên đường, Suối nguồn, Còn có bao giờ…

      Chủ đề IV là những bài thơ thuần về tư tưởng, về tư duy, về triết lý nhân sinh, chua chua, chát chát đầy tra vấn, nhiều khi thấy lay động cả nghĩ suy và cả lòng người sâu thẳm: Biển, Một ngày buồn, Vết thương, Cát bụi, Ta hỏi ta triền miên, Cuộc chơi, Thiếu một người…

Nhà thơ Nguyễn Kim Ngân (giữa) và Nhạc sỹ Trần Long Ẩn trong một lần hội ngộ tại Phú Yên.
Nhà thơ Nguyễn Kim Ngân (giữa) và Nhạc sỹ Trần Long Ẩn trong một lần hội ngộ tại Phú Yên.

      Khi đọc thơ Nguyễn Kim Ngân, tôi không chỉ đọc và hiểu theo kiểu bằng một hệ thống tri thức lý luận chung nhất về văn học nghệ thuật mà tôi còn đọc và cảm nhận qua những gì mà cảm xúc và thẩm mỹ riêng tư của tôi mang lại. Đọc những tác phẩm thơ của anh về phong trào đấu tranh của sinh viên – học sinh trước năm 1975, tôi thấy nhớ phong trào, nhớ bạn bè anh em quá đỗi! Trong gian khổ, hy sinh thấy họ cao cả vô cùng:

… Đừng cho biết, mẹ già anh sẽ khóc
Nếu có hỏi bảo anh còn đi học
Vẫn bình yên và đỗ đạt như xưa
Thôi giã từ các bạn giữa đêm mưa
Tôi đã nếm đủ mùi trong ngục thất…

Hoặc:

… Thôi chỉ còn một giải pháp đao binh
Lấy xương máu nói với loài theo giặc.

Chiếc còng sắt

     Với miền Trung, anh đã khắc họa vùng nắng gió khắc nghiệt bằng một ngôn ngữ thơ , rất bất ngờ:

… Tháng Tám đất trời như nín thở
Tất tả người, rơm rạ hỏi xong chưa
Mây đen biển sớm mai rền sấm nổ
Treo trên đầu cơn giận giữ chờ mưa

Rồi mưa, mưa trả thù cái nắng
Mưa tối đường chim không lối bay
Mưa bào núi, cuốn đồng, mưa quạnh vắng
Mưa cho thèm chút nắng để xanh cây

Và gió, gió bao vây muôn hướng
Gió siết ngôi nhà, luồn dưới bàn chân
Gió tuốt lá lìa cành, cây bật rễ
Gió buốt tim người qua từng lỗ chân lông…

Miền Trung

      Về Tình ca, anh như một người ngoan đạo, thích nghĩ đến thiên thần, địa ngục, thiên đường mà thiên đường chính là hình bóng thanh cao nhất của em:

 … Anh mơ tìm đâu đó cõi nhân gian
Có một thiên đường cho những người trần tục
Hay phải tìm ở tầng nào địa ngục
Để được có em là có cả thiên đường.

Có một thiên đường

      Hoặc trong yêu đương anh cũng tinh nghịch vô cùng:

… Năm năm trời mưa ngâu
Anh ngồi bên thềm vắng
Lặng nhìn màu hoa trắng
Em đem áo ra phơi

Các em biết gì đâu
Mối tình thầy và chị
Cứ nhìn nhau lặng lẽ
Cứ nhìn nhau năm năm…

Chim yến đỏ

      Nhưng có lẽ những vần thơ nhuốm màu triết lý nhân sinh, lý tưởng về cõi đời này có lẽ để lại trong tôi những suy nghĩ, những ấn ảnh khó phai mờ:

… Lý tưởng là Chân, Thiện
Hay lý tưởng là Tiền?
Đời còn nhiều mặt nạ
Ta hỏi ta triền miên

Sống với đời thật thà
Mỗi con người là một
Sống với đời lừa lọc
Ta hỏi ta triền miên.

Ta hỏi ta triền miên

Hoặc:

… Một cuộc chơi không biết mấy canh dài
Được thì kẻ bại khiến buồn lây
Thua thì kẻ thắng làm ta nhục
Sân khấu trò đời bắt buộc chơi

Đi qua ngôi đền các triết gia
Đi qua nhà rách các nhà thơ
Gặp trái tim người ta sững lại
Không biết đường vào đứng ước mơ.

Cuộc chơi

   Hoặc kiểu nghĩ về Đức Phật của anh cũng rất “Như Lai”:

… Đêm nay ta còn thiếu một người
Người ấy là  trong cõi tục
Là ảo ảnh, đã chìm trong ký ức
Còn chúng ta cứ lờ lững giữa đời

Đêm nay ta còn thiếu một người
Anh đừng nhắc đau lòng thêm kim cổ
Thiếu một người, luôn phải dành một chỗ
Thiếu một người nên mới có đêm thơ

Thiếu một người

     Nếu như Hégel đã nói: “Sau hội họa và âm nhạc, thơ làm thành nghệ thuật lãng mạn thứ ba” thì chính thơ Nguyễn Kim Ngân đã góp phần không nhỏ làm cho cuộc sống này vốn dĩ đầy rẫy thi ca và âm nhạc nhưng đồng thời cũng đầy rẫy những bất trắc, hận thù trở nên đáng yêu và lãng mạn hơn. Hãy cho tôi được gọi Nguyễn Kim Ngân là một Nhà thơ lãng mạn. Anh luôn luôn tư duy bằng trái tim và xúc cảm bằng trí tuệ. Hy vọng những thi phẩm của anh sẽ còn đọng lại dài lâu giữa cuộc đời này và giữa những người luôn yêu thích và quý trọng thơ anh.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn.