Song Tô – Bát Trảm Đao
Song Tô là một trong những loại vũ khí phổ biến của các dòng võ Nam Trung Hoa như Vịnh Xuân, Thái Lý Phật, Hồng Gia. Được giới võ thuật đánh giá là dòng đao có độ cân bằng giữa khả năng tấn công và phòng thủ nhất trong tất cả các dòng đao của binh khí Trung Hoa.
Song Tô là một cặp đao ngắn to bản, ở cán cầm có phần quai rộng bảo vệ tay. Cấu tạo cơ bản của một thanh song tô bao gồm:
Cán: gồm một quai thép rộng bao quanh bảo vệ tay và một chiếc móc ngược về phía mũi đao để khống chế, tì móc vũ khí của đối phương.
Lưỡi đao: lưỡi đao song tô to bản và tương đối ngắn, phần lưỡi gần cán đao thường không được mài bén để tăng sự chắc chắn cũng như hạn chế bị hư hỏng khi va chạm mạnh bởi việc chặn đánh vũ khí của đối thủ.
Mũi đao: Mũi đao song tô có 2 dạng tròn bầu hoặc vát nhọn. Các dòng võ xuất phát từ Phật gia chọn mũi đao tròn bầu để hạn chế các đòn đâm trong khi song tô của các võ phái khác có mũi thường vát nhọn.
Hình ảnh cặp Song tổ dùng tập luyện
Song tô là vũ khí ngắn nên dễ dàng mang theo bên mình, có thể dấu trong tay áo hoặc ống chân, dễ ứng biến, xoay trở nên thích hợp đánh cận chiến trong không gian chật hẹp. Vũ khí này hiếm khi thấy binh lính sử dụng chiến đấu nhưng trong chốn võ lâm giang hồ xã hội xưa thì vũ khí này được sử dụng rất phổ biến.
Chiến đấu với Song Tô trên màn ảnh.
Ngày nay vũ khí này được lưu truyền qua các bài quyền của võ cổ truyền Việt Nam hoặc các môn phái có nguồn gốc từ Trung Hoa như: “Song Đao Phá Thạch” tương truyền của nữ tướng Bùi Thị Xuân nhà Tây Sơn hay bài “Bát Trảm Đao” rất nổi tiếng của dòng võ Vịnh Xuân.