Binh khí Lăn Khiên
Nhà Tây Sơn là vương triều được hình thành từ cuộc khởi nghĩa của những anh hùng áo vải xuất thân từ tầng lớp nông dân. Thế nên ở thời kỳ này đã có rất nhiều bài quyền, thế võ được sáng tạo từ những công cụ lao động hằng ngày như bồ cào, cuốc chỉa, câu liêm, thiết lĩnh… hoặc cải tiến từ những vũ khí đã có từ các thời kỳ trước đó. Lăn khiên là một loại vũ khí như thế, đã được nhân dân ta sử dụng chiến đấu từ rất lâu nhưng có lẽ đến thời kỳ nhà Tây Sơn thì loại vũ khí này mới bước vào giai đoạn rực rỡ nhất.
Lăn khiên là một loại vũ khí đôi rất đặc biệt.
Quay lại một chút với lịch sử, điểm qua một số thể loại binh khí đánh đôi nổi tiếng, cho dù chính sử hay dã sử hư cấu thì vũ khí đôi thường là một cặp giống nhau. Chẳng hạn Song giản – Tần Quỳnh, Song kiếm – Lưu Bị, Song tiên – Hô Diên Chước, Song phủ (Bản phủ) – Lý Quỳ… Thực tế thì Võ thuật Cổ truyền Việt Nam vẫn đang lưu truyền rất nhiều bài quyền sử dụng Song kiếm, Song tô, Song câu… Nói chung cũng vẫn là một cặp giống nhau. Tùy theo thế đánh mà nhiệm vụ tấn công, phòng thủ của mỗi thanh sẽ liên tục hoán đổi cho nhau. Trong lúc giao chiến, nếu chẳng may một thanh bị gãy hoặc bị đối phương tước đoạt thì thanh còn lại vẫn được sử dụng như một loại vũ khí đánh đơn lợi hại.
Binh khí Lăn khiên.
Lăn khiên là một loại vũ khí đôi trông “chẳng liên quan họ hàng gì với nhau”. Bao gồm một tấm khiên được làm bằng gỗ hoặc đan bằng mây, tre… được sử dụng như một tấm chắn, che tên – đạn từ xa hoặc dùng để đỡ – gạt đòn đâm – chém từ đao – thương – kiếm khi đánh giáp lá cà; Tay còn lại sử dụng một loại vũ khí khác có tính sát thương cao để tấn công kẻ địch – thường là đao.
Trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thì Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng các tướng lĩnh đã sử dụng lăn khiên rất hiệu quả. Họ sử dụng một loại “Lăn khiên hình thuẫn” nhỏ gọn, tiện lợi cho việc áp sát người, ngựa đối phương rồi dùng câu liêm để móc – giật chân làm ngã cả người và ngựa đối phương để tiêu diệt. Ở trận đánh chống lại đội quân Nguyên Mông do Ngột-Lương-Hợp-Thai chỉ huy tại Bình Lệ Nguyên năm 1258, chiến tướng Lê Tần vác cả “siêu khiên” là tấm ván thuyền, phá vòng vây lao vào trận địa che chắn cứu vua Trần Thái Tông thoát một bàn thua trông thấy. Sau chiến thắng, Lê Tần được ban danh Phụ Trần (Lê Phụ Trần) cốt là ở chiến công oanh liệt này.
Vào thời nhà Tây Sơn thì nghĩa quân rất thành thạo món binh khí này. Rất nhiều người ví thời kỳ này như là thời kỳ “Tam quốc của Việt Nam” khi vua Lê – chúa Trịnh kiểm soát vùng miền Bắc; chúa Nguyễn bị nhà Tây Sơn đánh chiếm nên chạy dạt vào miền Nam; còn nhà Tây Sơn dĩ nhiên đóng đô ở miền Trung rồi. Vậy nên trong thời buổi loạn lạc, một loại binh khí hiệu quả cả trong phòng thủ lẫn tấn công như lăn khiên đạt tới thời kỳ cực thịnh của nó cũng là điều dễ hiểu. Đặc biệt, từ loại binh khí cổ xưa này nhà Tây Sơn đã sáng tạo, phát triển nên những bài quyền đối luyện, đa luyện (một đấu nhiều người) để binh lính tập luyện, sử dụng như một (bộ) vũ khí cá nhân lợi hại.
Ngày nay, cũng chẳng mấy ai thanh toán ân oán giang hồ bằng tuyệt kỹ ném phi đao hay mang cung tên đi đòi nợ thuê cả. Do đó, theo thời gian, những người truyền đạt và tập luyện môn binh khí này cũng mai một dần. Tuy nhiên nếu có dịp về thăm các lò võ ở vùng đất tổ Tây Sơn Bình Định, các bạn sẽ có dịp tận mắt xem hậu nhân nhà Tây Sơn biểu diễn các thế võ, bài quyền của món binh khí cổ truyền độc đáo này.
Còn bây giờ mời các bạn xem một số bài biểu diễn Binh khí Lăn khiên dưới đây nhé.
Bài đơn luyện Binh khí Lăn khiên
Một bài đơn luyện Lăn khiên khác của Võ cổ truyền Bình Định
Đặc biệt, màn đối luyện giữa Thương và Lăn khiên