Khu mộ cổ lớn nhất Việt Nam
Khu mộ cổ lớn nhất Việt Nam tại Phú Yên.
Ngày ấy, cứ mỗi dịp cuối tuần thì bọn “học trò Thị xã” chúng tôi thường í ơi nhau rằng “êh, tuần này mày có dìa quơ (huyện) không”. Tôi còn nhớ như in tâm trạng mình trong những buổi chiều mưa tháng Mười đầu niên khóa; Đó là tâm trạng của cậu học trò lần đầu đi xa đang ngóng chờ Ba mình vào Thị xã để đón về thăm nhà. Cứ thế rồi mấy năm cấp ba cũng trôi qua, quãng đường Tuy Hòa – Sông Cầu ngày đó thật thân thương với bao hình ảnh quê hương, từ những sáng sớm mùa đông mờ ảo trên đồng lúa Tuy An đến những ngày hè nóng rát gây ảo giác cảm thấy mặt đường như lênh láng nước. Bởi thế những lần “về quê” của tôi là những lần hồ hởi vì được ngắm nhìn cảnh vật quê hương, nếu may mắn sẽ được thấy đoàn tàu lửa, được nghe tiếng lốc cốc leng keng của xe ngựa thồ hàng…
Gần đây tình cờ đọc một bài báo có nhan đề mà tôi lấy làm tựa đề cho bài viết này; lúc đầu cũng khá là ngạc nhiên và thú vị, rồi sau đó tôi liên tưởng ngay đến những ngôi mộ cổ trên đồi Đèo Quán Cau – Tuy An vì chúng rất dễ thấy với những ai thường di chuyển trên đoạn đường từ Tuy Hòa về Sông Cầu. Tò mò tôi đọc tiếp thì mới hay khu mộ cổ hoành tráng khoảng 500 ngôi mộ không tên đầy bí ẩn này cách nhà chưa đầy 30 phút chạy xe, chúng nằm tại một nơi có cái tên nghe khá là lạ: Núi A Man thuộc thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An.
Theo tìm hiểu, 500 ngôi mộ cổ này có bốn dạng gồm loại hình yên ngựa (còn gọi là kiều ngựa), loại hình mai rùa, loại hình mái nhà và loại hình búp sen. Trong đó, loại hình yên ngựa khá phổ biến. Một số mộ được xây tường bao và bình phong phía trước. Loại hình mái nhà tuy không phổ biến, nhưng được trang trí khá công phu bằng hoa văn.
Mộ cổ loại hình yên ngựa trên núi A Man
Mộ Yên ngựa có thành bao quanh.
Nói về loại mộ hình yên ngựa thì xung quanh khu vực vịnh Xuân Đài từ dưới đồng bằng lên những thôn có núi thấp không khó để tìm thấy dấu vết những ngôi mộ dạng này. Theo như những người lớn tuổi kể lại thì vào những năm 80, 90 thế kỷ trước; lúc đó đời sống người dân còn nhiều khó khăn, họ đồn thổi nên những câu chuyện huyền bí kiểu như thấy những đàn gà, đàn vịt bằng vàng đêm đêm kéo nhau đi kiếm ăn xung quanh các khu mộ Hời (Chăm) và tin là có vàng bên trong các ngôi mộ đó, thế là đêm đêm họ kéo nhau đi trộm mộ. Đó là lý do khiến hầu hết các ngôi mộ hình yên ngựa trên khắp vùng Xuân Đài ngày nay chỉ còn là những phế tích xiêu vẹo do đã bị đào bới, đập phá tìm vàng mà theo lời nhiều người am hiểu cho biết thì không tìm thấy vàng dưới các ngôi mộ như thế. Tôi cũng nhớ trong khuôn viên ngôi trường tiểu học tại cầu Lò Vôi xã Xuân Thọ II huyện Sông Cầu vào những năm đầu thập niên 90 cũng có ngôi mộ yên ngựa xiêu vẹo như vậy. Khi đó bọn học sinh lớp 1, lớp 2 chúng tôi cứ tới giờ ra chơi là thường nhảy lên yên ngựa bám đầy rêu phong ngồi chơi vì cảm thấy rất mát, cũng có đứa trèo lên chỗ cao, đu bám nhau hái những cành lá giang non chua chua rồi chuyền nhau nhai chóp chép cho vui miệng.
Trở lại với câu chuyện 500 ngôi mộ cổ ở núi A Man thì trong khi hầu hết người dân sống lâu năm ở đây đều cho rằng khu mộ này vô danh, vô chủ vì chưa từng thấy thân nhân đến thăm nom và theo kinh nghiệm dân gian thì họ cho rằng khu mộ cổ này là của người Hời (Chăm) hoặc người Hoa vì núi này nằm gần cửa biển Tiên Châu, là cửa biển đi vào vịnh Xuân Đài – thương cảng sầm uất ngày xưa của cư dân vùng này với các dân tộc Hoa, Chăm lân cận. Nhưng còn theo những đánh giá khoa học chưa chính thức thì những người nằm dưới khu mộ cổ này là quan quân, bính lính thuộc lực lượng chúa Nguyễn Ánh được chôn cất bí mật tại nơi này và vì sợ tình trạng khai quật mồ mả của lực lượng đối địch (nhà Tây Sơn) nên họ đã không để lại danh tính của những người nằm xuống.
Mộ cổ hình búp sen trên núi A Man.
Và Mộ cổ loại hình mai rùa.
Đồi A Man nói cho dễ hiểu thì nếu các bạn đi đến thắng cảnh nổi tiếng Ghềnh Đá Đĩa từ hướng trung tâm thị trấn Chí Thạnh xuống, qua khỏi nhà thờ Mằng Lăng rồi vận dụng mọi kỹ năng và thủ đoạn để tìm ra nơi này nhé. 🙂