Lý Quỳ – Hảo Hán Sống Động Nhất Lương Sơn Bạc
Trong số 108 anh hùng Lương Sơn Bạc của tiểu thuyết gia Thi Nại Am, có một vị hảo hán tuy không lọt vào top-ten của bảng xếp hạng nhưng vì những câu chuyện đa sắc, những mối quan hệ liên kết với những nhân vật trung tâm khác mà ông để lại nhiều dấu ấn đa chiều khó phai cho cả người lớn lẫn trẻ con khi xem tác phẩm Thủy Hử. Nhân vật ấy không ai khác chính là Hắc Toàn Phong Lý Quỳ.
Lý Quỳ có tên hiệu là Hắc Toàn Phong (Cơn Lốc Đen) do tính tình thô lỗ, nóng nảy cùng ngoại hình đen đúa, hung dữ; lúc ra trận thì luôn xung phong đi đầu, nhiều khi quân lệnh chưa kịp nổi lên mà hảo hán đã phi lên rồi. Những lúc ngồi nhậu cùng các anh em chiến hữu, mọi người còn gọi ông bằng cái nickname thân mật hơn, đó là… Thiết Ngưu (Trâu Sắt). Lý Quỳ là một trong những hảo hán khỏe nhất ở Lương Sơn, chắc chỉ đứng sau Hành giả Võ Tòng và Hoa Hòa thượng – xăm mình – uống rượu – ăn thịt – nhổ bật gốc bạch dương Lỗ Trí Thâm mà thôi.
Hắc Toàn Phong Lý Quỳ dũng mãnh như một cơn lốc.
Lý Quỳ xuất thân là một dân nghèo ở huyện Nghi Thủy, tỉnh Sơn Đông ngày nay. Ông có sức mạnh nhưng vì nóng nảy mà lỡ tay đánh chết người ở trên quê hương mình nên phải bỏ trốn đến Giang Châu và làm cai ngục dưới trướng Đới Tung. Đến khi Tống Giang bị tội đày đến nhà lao Giang Châu thì giám đốc trại giam Đới Tung vì nghe danh Tống Giang mà ra tay nghĩa hiệp tìm cách cứu Tống Giang, còn Lý Quỳ bái lạy xin Tống Giang nhận làm huynh đệ.
Tống Giang bị đày ải lâu ngày, toàn ăn mắm ăn muối nên thèm được ăn canh nấu cá tươi; thế là Lý Quỳ tình nguyện đi mua ngay. Nhưng vì tính nóng nảy vội tìm mua cá tươi và ngon nhất mà Lý Quỳ gây sự đánh nhau với những ngư dân, hàng chài quanh bờ sông. Những người hàng chài dĩ nhiên là đánh không lại rồi, bèn cầu cứu một lái buôn cá khoẻ mạnh tên là Trương Thuận giúp đỡ. Trương Thuận chạy tới can thiệp và đánh nhau dữ dội với Lý Quỳ, nhưng vì Lý Quỳ quá khoẻ nên Trương Thuận chịu không nổi nhiệt. Dân lái buôn thì đâu có chịu thiệt dễ vậy – nếu chịu thua thì bọn đánh cá nó cười vào mặt rồi không bán cá cho mình nữa thì sao. Trương Thuận nghĩ kế thách thức Lý Quỳ xuống bè mà đánh; còn Lý Quỳ thì có biết sợ gì cơ chứ. Được một hồi thì cả hai rớt nhào xuống nước, tiếp tục đánh. Lý Quỳ do bơi lội kém nên bất lực chịu thua, được Trương Thuận “đãi” bữa nước nhớ đời luôn.
Trên bờ, Tống Giang và Đới Tung chờ mãi không thấy Lý Quỳ mang cá về nên nghĩ chắc có chuyện chẳng lành bèn đi tìm. May sao gặp Trương Thuận, Tống Giang đưa lá thư của Trương Hoành (anh trai Trương Thuận) nhờ Tống Giang gửi đến cho người em trai yêu quý lâu ngày không nghe bóng tăm hơi. Trương Thuận mừng rỡ khi gặp được Tống Giang, một người xưa giờ ông rất nể và rất muốn tìm gặp. Trương Thuận sau đó hoà giải với Lý Quỳ và kết nghĩa anh em với cả ba người Tống Giang, Đới Tung, Lý Quỳ. Humm… Nghĩ cũng thật là giang hồ: tên lái cá đã nhấn chìm cả Cơn lốc… Đúng là giang hồ “không đánh nhau không quen biết” mà.
Do Tống Giang đề thơ phản ở gác Tầm Dương trong lúc say rượu, còn Đới Tung trượng nghĩa truyền thư giả bất thành nên cả hai bị giam và xử chém. Lý Quỳ là cai ngục nên biết chuyện, ông liền đi tìm Trương Thuận nhờ trợ giúp, hảo hán Trương Thuận đồng ý ngay và hứa sẽ gọi thêm bạn bè trợ chiến. Khi Tống Giang và Đới Tung bị đưa ra pháp trường Giang Châu chém đầu, Lý Quỳ vác đôi Bản Phủ xung phong tả xung hữu đột cướp pháp trường cùng với 500 anh em quân Lương Sơn do Tiều Cái đứng đầu, giải cứu thành công Tống Giang và Đới Tung. Sau trận này, Lý Quỳ cùng Tống Giang, Đới Tung, Trương Hoành, Trương Thuận và nhiều hảo hán khác theo Tiều Cái gia nhập Lương Sơn Bạc.
Hình ảnh Lý Quỳ cùng đôi Bản Phủ trong tác phẩm Tân Thủy Hử.
Cái gã Thiết Ngưu này khuôn mặt thì dữ dằn, tính tình thì thô lỗ nhưng được cái hắn ta rất trung thành và hiếu thảo. Sau khi lên Lương Sơn làm đầu lĩnh, Lý Quỳ nhớ mẹ quá nên xin Tống Giang nghỉ phép vài hôm về quê thăm mẹ. Tống Giang: Ô-kê, không ấy… chú đem mẹ lên đây, sớm tối bên nhau, không phải chịu cảnh cơ cực như trước nữa. Lý Quỳ nghe nói ưng cái bụng quá, liền tức tốc ra đi.
Khi vừa về, Lý Quỳ gặp mẹ mừng rỡ rưng rưng. Niềm vui chưa tày gang thì Lý Đạt – anh trai Lý Quỳ liền chửi rủa em trai vì giết người mà làm cả nhà liên lụy. Lý Đạt quyết định bán đứng em trai, đi gọi quan quân đến bắt. Ước mơ của Thiết Ngưu rất đơn giản, hắn ước có cuộc sống tự do, được uống rượu, ăn miếng thịt lớn và chăm sóc mẹ già. Thế là lại một lần vội vã nữa, Lý Quỳ đành cõng mẹ đi ngay… Vội vã trở về – Vội vã ra đi…
Trên đường trở lên Lương Sơn, mẹ ông khát nước mà đường còn xa, hiểm trở. Vốn thương mẹ, sợ bà ko chịu được cơn khát ông đành để mẹ ngồi đợi dưới tán cây rồi nhanh chân đi tìm nước. Nhưng thật không may trong lúc Lý Quỳ ra đi, bầy hổ đói trong rừng đã tìm đến vồ mẹ ông đem đi. Lý Quỳ trở về không thấy mẹ đâu, ông hoảng hốt đi tìm khắp nơi, theo dấu vết đến gần hang hùm thì thấy bốn con hổ đang gặm xác mẹ mình. Lòng đau nhói, tức quá ông gầm lên một tiếng rồi xông thẳng vào chém giết trọn cả bầy hổ, không sót con nào rồi đau đớn khóc thương thu nhặt xương tàn của mẹ đem chôn cất. Mong ước được báo hiếu của Thiết Ngưu đơn sơ vậy mà sao bi thương quá đỗi!
Chiến công cuối cùng của quân Lương Sơn là đánh bại đoàn quân khởi nghĩa của Phương Lạp. Trận chiến này quân Lương Sơn tổn thất khá nặng, Lý Quỳ là một trong số ít các chiến tướng còn sống sót trở về. Và con đường ông chọn sau khi Lương Sơn tan rã cũng thật đặc biệt: quy thuận triều đình dù lòng ông chưa bao giờ muốn – quy thuận bởi vì một lòng theo Tống Giang mà thôi. Nhưng Tống Giang nằm trong kế hoạch nhổ cỏ tận gốc của bọn quan hèn hạ sợ các anh hùng hảo hán tạo phản trở lại, bèn bày kế hãm hại. Tống Giang biết ngự tửu vua ban mình vừa uống vốn đã bị gian thần bỏ thuốc độc, biết mình sắp chết, sợ sau khi chết Lý Quỳ sẽ làm phản trả thù. Tống Giang bèn truyền Lý Quỳ đến rồi lừa Lý Quỳ uống rượu độc cùng chết với mình. Khi Lý Quỳ biết Tống Giang cho mình uống rượu độc, ông chỉ nói lớn: “Thôi thôi, Thiết Ngưu khi sống theo hầu huynh trưởng. Sau khi chết cũng làm ma theo hầu huynh trưởng mà thôi”.
Xuyên suốt câu chuyện Thủy Hử ta thấy bên cạnh hình ảnh về một Hắc Toàn Phong Lý Quỳ dũng cảm, hung dữ, đen đúa còn là hình ảnh của một Thiết Ngưu hiếu thảo, trung thành đôi lúc đến ngô nghê.
Chi tiết cảm động về cái chết của ông cũng như của mẹ ông trước đó phản ánh hai thái cực đối lập trong con người của ông, một Lý Quỳ đầy nhân văn hoàn toàn xa lạ với một Lý Quỳ hằng ngày chỉ ưa gây gổ đánh nhau, thích ồn ào náo nhiệt như một “cơn lốc”.