Phú Yên – Phát hiện hai Ông súng Thần công
Vào những năm cuối thế kỷ 18, ở giai đoạn giao tranh giữa nhà Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh thì Phú Yên là vùng đệm, thường xuyên diễn ra những trận giao tranh ác liệt. Theo đó, từ thành Quy Nhơn trở ra Bắc là vùng đất được nhà Tây Sơn quản lý chặt chẽ với những căn cứ quân sự vững mạnh; còn từ thành Diên Khánh trở vào Nam là vùng đất được quân chúa Nguyễn ra sức bảo vệ nhằm củng cố phát triển lực lượng chờ ngày phản công tái chiếm lại vùng đất tổ ở kinh thành Phú Xuân – Huế. Thế nên tại Phú Yên đã từng nhiều lần hễ quân Tây Sơn kéo vào thì quân chúa Nguyễn thua chạy vào Nam và ngược lại. Vì là vùng tranh chấp nên thời đó người dân ở Phú Yên phải đi lính cho cả hai phe Tây Sơn và chúa Nguyễn Ánh.
Mới đây, người dân ở ven vùng Quốc lộ 1A thuộc Khu phố Tân Thạnh, phường Xuân Đài, Thị xã Sông Cầu trong lúc đi rà phế liệu đã phát hiện hai khẩu súng thần công bị lùi lấp hàng trăm năm nhưng còn tương đối nguyên vẹn, các ký hiệu, hoa văn dễ dàng nhận diện được.

Hai khẩu súng làm bằng hợp kim gang thép, mỗi khẩu nặng khoảng 500kg còn nguyên các ký hiệu trên thân súng, giống nhau về hình dáng nhưng khác nhau về chi tiết trang trí và ký hiệu trên thân súng.
Cụ thể, khẩu lớn dài 198cm, trên thân có đúc nổi biểu tượng hình vương miện cùng ba chữ S J S và số 10. Khẩu nhỏ hơn dài 188cm, trên thân cũng đúc biểu tượng hình vương miện cùng các chữ E O L và số 10. Giống như các khẩu thần công loại lớn, trên mỗi thân súng đều có hai chốt dùng để cố định trên giá đỡ nhằm điều chỉnh khẩu độ khi bắn cũng như dễ dàng tháo lắp khi phải di chuyển súng đến các chiến trường.
Căn cứ vào đặc điểm hiện vật và địa bàn phát hiện, các cán bộ Bảo tàng tỉnh Phú Yên xác định đây là hai khẩu súng thần công loại lớn có xuất xứ phương Tây, được đưa vào Phú Yên qua hải cảng Vũng Lắm. Súng có thể được sử dụng trong thời kỳ giao tranh giữa Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn ở cuối thế kỷ 18 hoặc phong trào Cần Vương chống Pháp ở Phú Yên cuối thế kỷ 19.
Kênh truyền hình VTC14 đưa tin về hai khẩu thần công vừa phát hiện ở Phú Yên.