Tướng nhà Minh nổi loạn – chúa Nguyễn bày mưu diệt trừ

     Xứ Đàng Trong ở thời các chúa Nguyễn là một vùng đất đầy biến động. Theo thời gian, lãnh thổ Đàng Trong ngày càng mở rộng về phương Nam. Ở đó, vai trò và công lao của những người Hoa sống tị nạn là rất rõ ràng, được dân tộc Việt ghi nhận và trân trọng đến tận hôm nay. Thế nhưng việc gì thì cũng có ngoại lệ của nó. Ở đây là việc chống đối rồi làm phản cũng không phải là chuyện hiếm. Sớm nhất và tiêu biểu nhất trong số đó chính là cuộc nổi loạn của Phó tướng Hoàng Tiến, một tướng lĩnh người Hoa trong đoàn binh thuyền vượt biển nương nhờ chúa Nguyễn dưới quyền chỉ huy của Tổng binh Dương Ngạn Địch.

     Mùa xuân năm 1679, một số tướng cũ nhà Minh không chịu khuất phục vương triều mới nhà Thanh gồm Long Môn Tổng binh Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tiến cùng Tổng binh ba châu Cao – Lôi – Liêm Trần Thượng Xuyên và Phó tướng Trần An Bình… đem hơn 3000 quân và hơn 50 chiến thuyền chia làm hai nhóm đến các cửa biển ở Huế và Đà Nẵng xin thần phục chúa Nguyễn. Bấy giờ tình hình Chân Lạp tạm thời yên ổn, chấp nhận thần phục chúa Nguyễn do trước đó, năm 1674 chúa Nguyễn Phúc Tần sai người đem quân sang tận thành Nam Vang cứu giúp Chân Lạp dẹp trừ nội loạn rồi đưa Nặc Thu lên làm Chính vương đóng ở Long Úc (Phnôm Pênh) còn Nặc Nộn làm Phó vương đóng ở Sài Côn (Sài Gòn) dưới sự bảo trợ của chúa Nguyễn, bắt Chân Lạp hằng năm triều cống.

     Vào lúc nhóm người Hoa vào đất Đàng Trong xin tị nạn thì tôi chúa mới bàn nhau rằng “phong tục, tiếng nói của họ đều khác, sai đúng khó bề phân xử nhưng nay họ lâm thế cùng bức bách đến đây thì không nỡ cự tuyệt. Nay đất Đông Phố nước Chân Lạp phì nhiêu nghìn dặm mà triều đình thì chưa rỗi để kinh lý, chi bằng lấy sức của họ đến khai khẩn để ở, làm một việc mà lợi ba điều…” Thế là chúa Nguyễn Phúc Tần theo y như lời bàn, đặt yến tiệc tiếp đãi rồi ban cho chức tước; đồng thời chúa Nguyễn sai người đưa thư đến Phó vương Nặc Nộn yêu cầu chia đất cấp cho họ đến làm ăn sinh sống ven vùng đất Sài Gòn ngày nay. Mùa hạ năm ấy, đoàn binh thuyền của nhóm Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến theo sứ giả chúa Nguyễn vượt biển vào cửa Soài Rạp rồi tiến về đóng ở Mỹ Tho; còn đoàn binh thuyền của Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình thì đến cửa biển Cần Giờ rồi tiến lên đóng ở Biên Hòa. 

     Nhóm Dương Ngạn Địch đến Mỹ Tho cho xây dựng nhà cửa, quy tụ người Việt, người Khmer… kết thành thôn xóm rồi cho dân khai hoang cày cấy; trong dân ai có nghề gì thì được tự do theo nghề ấy. Thế rồi chẳng bao lâu sau, vùng đất Mỹ Tho dần trở thành nơi thu hút người dân về đây làm ăn, sinh sống nhờ có vùng đồng bằng phì nhiêu rộng lớn lại nằm sát bên sông Tiền thuận lợi cho việc giao thương với các xứ khác. Nếu như không có những biến cố lịch sử về sau khiến cho đông đảo người dân mà đặc biệt là người Hoa phải từ bỏ Mỹ Tho chạy về Sài Gòn thì có lẽ Mỹ Tho hôm nay sẽ còn thịnh đạt hơn thế nữa vì đã có thời Mỹ Tho là nơi đô hội phồn hoa bậc nhất với khu chợ được xem như thành lập sớm nhất ở Nam Bộ.

Ảnh minh họa.

     Năm 1688, Phó tướng Long Môn người Minh là Hoàng Tiến trước đây quy thuận chúa Nguyễn, nay nổi loạn giết chết chủ tướng Dương Ngạn Địch ngay tại cửa biển Mỹ Tho rồi dời đồn về An Giang chiếm chỗ hiểm đắp lũy, đóng chiến thuyền, đúc thêm đại bác, tự xưng “Hổ oai tướng quân” không cho thương nhân qua lại, thả quân quấy nhiễu cướp bóc tứ tung khiến người Chân Lạp vô cùng khổ sở. Những việc làm sai trái của Hoàng Tiến đã khiến cho Chính vương nước Chân Lạp là Nặc Thu vô cùng lo lắng và oán hận. Nặc Thu tưởng rằng chúa Nguyễn ngầm xúi giục để lấy cớ xâm chiếm Chân Lạp, bèn sai đắp ba lũy Bích Đôi, Cầu Nam và Nam Vang rồi chằng xích lớn ngang cửa sông làm kế cố thủ, xóa bỏ hết mọi triều cống… Lúc này Phó vương Nặc Nộn đang đóng ở thành Sài Côn nghe tin Nặc Thu mưu việc chống đối mà sợ hãi, liền cho người cấp báo sang chúa Nguyễn. Bấy giờ đã sang thời chúa Nguyễn Phúc Trăn. Chúa nghe tin cả giận, bèn cử tướng Mai Vạn Long làm Thống binh đem quân đánh Chân Lạp, sai Hoàng Tiến làm tiên phong dưới quyền tiết chế của Mai Vạn Long nhưng thực tế là cũng để tiêu diệt Tiến.

     Vậy thì liệu rằng “Hổ oai tướng quân” Hoàng Tiến có nhận ra ý đồ của chúa Nguyễn? Hoàng Tiến sẽ đơn thương độc mã cùng số quân ít ỏi của mình tấn công Chân Lạp; hay là sẽ đem quân về hội cùng Thống lĩnh Mai Vạn Long?

     Năm 1689, Mai Vạn Long đem quân vượt biển vào cửa Mỹ Tho rồi tiến đóng ở Rạch Gầm; Vạn Long liền sai người triệu Hoàng Tiến đem quân sở bộ đến nhưng giục mãi mà chẳng thấy Tiến đâu. Bấy giờ trong quân của Mai Vạn Long có ông Văn Thông người Quảng Ngãi có khả năng nói tiếng Quảng…Đông. Ông Văn Thông rỉ vào tai Vạn Long bày rằng: “Thống binh như muốn bắt Tiến, nhưng nếu không làm cho hắn lìa bỏ chỗ hiểm thì không được. Tôi nghe người Long Môn (đảo Long Môn, Trung Quốc) có một ông già họ Trương rất có tiếng tăm, Tiến nghe danh vẫn hâm mộ mà chưa biết mặt. Tôi xin giả làm ông già Trương đến phân trần lợi hại để dỗ hắn tới hội. Thống binh nhân cơ hội mà chụp đánh thì ắt là được Tiến ngay”. Mai Vạn Long mừng rỡ, đập bàn hô “Hảo… hảo…”

     Văn Thông cải trang rồi tự xưng là Trương lão gia đến nơi chiếm đóng của “Hổ oai Tướng quân”. Văn Thông thong thả buông ngoại ngữ: “Tôi từ khi quân Long Môn thua trận vong mệnh đến Đàng Trong nương náu, nhờ thiên vương (chúa Nguyễn) cho làm cai đội, nay theo quyền điều khiển của Thống binh Trấn Biên, cho nên lại đây gặp nhau để bày tỏ chút tình hương lý”. Lôi cuốn được Hoàng Tiến, “Trương lão gia” tiếp tục uốn ba tấc lưỡi, nói tới đâu Tiến tin tới đó, rồi Tiến tỏ bày: “Tôi nghĩ cái thân lưu lạc, nhờ tiên vương cho ở đất này, bao giờ dám quên ơn? Nhưng tôi xem sự ăn mặc của tôi có được là nhờ sản vật của Chân Lạp, nay đem quân đánh họ thì là bất nghĩa, nhưng vì Chân Lạp mà chống mệnh vua thì là bất trung, tiến thoái hai đàng đều khó nên còn phân vân”. “Trương lão gia” cười thầm trong bụng: “Bất nghĩa là lỗi nhỏ, bất trung mới là tội lớn, tướng quân còn phải chọn gì?” Hoàng Tiến biết là vậy nhưng vấn đề là “Tiên sinh đã dạy tôi nên gặp Thống binh, nhưng lúc gặp thì chả biết Thống binh có đón tôi không? Có cùng chia ngôi tả hữu với tôi? Có cho đem quân tới hội mà không ngờ không?”

     Văn Thông nói ngoại ngữ như rót mật vào tai, cuối cùng thì Hoàng Tiến cũng tin lời đường mật của “Trương lão gia”, định ngày đem quân về hội cùng Thống lĩnh Mai Vạn Long. Lúc này trong quân của Hoàng Tiến có tên mưu sĩ là Hoắc Sinh bàn rằng “Tôi nghe tiếng Trương lão gia là người kiệm lời, nay tên này ăn nói liến thoắng chắc là hàng fake, nghi là thuyết khách của Mai Vạn Long, xin đừng nên tin” nhưng Tiến gạt phắt không nghe…

     Theo sách Đại Nam thực lục thì: “Quả nhiên Hoàng Tiến đi thuyền ra sông đến hội. Vừa lúc đoàn binh thuyền vào vùng hiểm địa, phục binh vùng dậy bốn mặt đánh vào, Tiến bỏ thuyền chạy, nhắm lẩn về phía cửa biển Lôi Lạp. Vạn Long vào lũy, bắt được vợ con Tiến đều chém cả. Thừa thắng, Mai Vạn Long tiến đánh Nặc Thu, phá hủy xích sắt ngang sông, liên tiếp lấy được ba lũy Bích Đôi, Cầu Man và Nam Vang…

     Như vậy tình hình nội loạn ở vùng đất mới của xứ Đàng Trong đã được dẹp yên nhưng mối quan hệ giữa chính quyền chúa Nguyễn và Chính vương Nặc Thu của nước Chân Lạp đã không còn ngọt ngào như cũ nữa. Để rồi từ đây những cuộc chiến triền miên giữa hai chính quyền liên tiếp nổ ra và bằng cách này hay cách khác thì toàn bộ vùng Nam Bộ ngày nay đã hoàn toàn sáp nhập vào đất đai của chúa Nguyễn Phúc Khoát, tức chỉ ngót 50 năm sau kể từ sự kiện này.

5 Comments

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *