Quốc thúc Trần Quang Khải
Trần Quang Khải (1241-1294): Ông là con thứ ba của vua Trần Thái Tông, học nhiều biết rộng, văn võ toàn tài, ngay từ trẻ đã được phong tước Chiêu Minh Đại Vương. Chuyện kể rằng, Quang Khải lúc mới sinh thì phát chứng động kinh nguy đến tính mạng mà các ngự y không sao chữa khỏi. Vua cha đêm ngày lo sốt vó không biết làm cách nào để cứu hoàng tử trẻ, bèn … nói và làm liều. Ông đem áo của Thượng hoàng và thanh gươm báu truyền quốc để bên cạnh rồi bảo:
“Con trai yêu, mau khỏi bệnh rồi cha cho thanh kiếm với cái áo để chơi nè”.
Kỳ diệu thay Quang Khải khỏi bệnh một cách thần kỳ, còn vua cha thấy mình nói hớ liền chữa cháy:
“Ờh ừhm… vi diệu thật… Cơ mà kiếm báu truyền ngôi thì không thể trao bừa được. Thôi thì con lấy cái áo chơi đỡ đi, thanh kiếm để đó cho cha…”
Ở đầu thời kỳ nhà Trần nhiều nơi còn bất ổn, lòng dân còn chưa phục, các vùng của người dân tộc thiểu số nổi lên chống đối. Quang Khải thường theo vua cha đi dẹp loạn. Với tài ăn nói và khả năng hiểu tiếng của các tộc người thiểu số, ông nhanh chóng ổn định tình hình mà không phải tốn nhiều mũi tên hòn đạn. Năm 1271 ông được cử giữ chức Tướng quốc Thái úy, năm 1282 được phong lên Thượng tướng Thái sư đứng đầu văn võ bá quan, nắm toàn quyền nội chính.
Trong lịch sử nhà Trần, cùng với Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn thì Chiêu Minh vương Trần Quang Khải là hai vị tôn thất thuộc hàng nổi bậc nhất của hoàng triều này. Đương thời, người có thể so bì với Hưng Đạo về văn võ, dũng lược, xuất thân và địa vị chỉ có một mình Chiêu Minh mà thôi.
Trần Quang Khải là Hoàng tử và gọi cha của Trần Quốc Tuấn (Trần Liễu) bằng Bác ruột nên họ là anh em chú bác. Năm 1237, lúc đó cha của Quang Khải là Trần Cảnh (Trần Thái Tông) chưa có con nên Thái sư Trần Thủ Độ (chú họ của Trần Liễu, Trần Cảnh) đưa vợ của Trần Liễu là Thuận Thiên công chúa lúc ấy đã có mang 3 tháng vào làm Hoàng hậu thay thế. Vì quá uất ức mà cha của Quốc Tuấn mất năm 1251 hưởng dương 41 năm. Trước lúc lâm chung, ông dặn người con trai của mình phải cướp ngôi của Trần Cảnh báo thù cho cha. Quốc Tuấn nhận lời nhưng không thực hiện.
Vì mang mối thù hoàng tộc nên đến khi trưởng thành Quốc Tuấn và Quang Khải cũng chẳng ưa gì nhau, nhiều việc trở nên nghi kị nhau.
Thế nhưng vào một hôm, Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Lại gặp Quang Khải vốn sợ tắm gội, Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Quang Khải: “Mình mẩy cáo bẩn, xin tắm giùm”.
Nói rồi, Quốc Tuấn cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói: “Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”.
Quang Khải cũng đùa vui, nói: “Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho”.
Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai người càng thêm mặn mà. Còn Quốc Tuấn được người đời sau tôn kính không chỉ bởi tài năng quân sự kiệt xuất mà còn vì cái Đức của ông.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, với tài thao lược kiệt xuất, Trần Quang Khải đã lập được nhiều chiến công to lớn. Chính ông đã chỉ huy đánh tan quân giặc ở Chương Dương, sau đó ngày 9-6-1285 đưa quân đánh đuổi Thoát Hoan, giải phóng Thăng Long.
Sau chiến thắng, trên vai trò Tể tướng, ông tiếp tục có những đóng góp to lớn trong việc khôi phục và phát triển mọi mặt đất nước.
Trần Quang Khải vừa là nhà chính trị lỗi lạc, vị tướng kiệt xuất, nhà ngoại giao tài ba, vừa là nhà thơ xuất sắc. Cuối đời ông được tôn là Quốc thúc (ông chú của đất nước).
Bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư (Phò giá về kinh):
Đoạt sóc Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu nỗ lực,
Vạn cổ thử gian san.
Dịch nghĩa
Cướp giáo giặc ở bến Chương Dương,
Bắt quân Hồ ở cửa Hàm Tử.
Buổi thái bình nên gắng hết sức,
(Thì) muôn đời (có) giang sơn này.
Dịch thơ
Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy nghìn thu
Tháng 6 năm Ất Dậu 1285, sau khi đuổi quân Thoát Hoan, giải phóng kinh thành Thăng Long, Trần Quang Khải đưa hai vua Trần về lại kinh đô, theo phò giá và làm bài thơ trên.
Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục do sử thần Đại Nam thời Nguyễn soạn cũng đánh giá về Trần Quang Khải:
“Quang Khải lúc làm tướng võ, lúc làm tướng văn, giúp vương nghiệp nhà Trần, uy danh ngang với Quốc Tuấn.”