Trần Minh Tông và Những rung chấn giữa triều Trần.
Nhà Trần sau khi quét sạch quân thù Nguyên Mông ở thời Trần Nhân Tông đến thời Anh Tông, rồi Minh Tông cũng là những vị vua tài giỏi, có công xây dựng và phát triển đất nước, đưa Đại Việt trở thành một quốc gia cường thịnh sau nhiều năm kiên cường chống giặc ngoại xâm.
Minh Tông Trần Mạnh (1300 – 1357) là vị vua thứ Năm của vương triều Trần. Ông ở ngôi vua từ năm 1314 đến năm 1329 rồi truyền ngôi cho con, được sử sách ca ngợi là vị vua có lòng trung hậu, đức độ và cần mẫn; lại được phò trợ từ các cựu thần Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư… cũng như nhiều triều thần tài giỏi khác, nào là Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An… nên mọi việc trong ngoài đều giữ được kỷ cương, nề nếp.
Minh Tông rất chăm lo đời sống nhân dân, ông hạ lệnh cha con, anh em không được khiếu kiện lẫn nhau, lập kho thóc ở các lộ để chẩn cấp cho dân nghèo. Ông từng nói rằng: “Trẫm là cha mẹ dân, nếu thấy dân bị hãm ở nơi lầm than thì phải cứu ngay, há nên so đo khó dễ, lợi hại”. Bởi thế, gặp lúc nước lũ dâng cao, đích thân ông đi xem xét việc phòng giữ. Năm 1329, lúc người Ai Lao sang quấy phá và người Ngưu Hống làm loạn ở Đà Giang, nhà vua bây giờ đã nhường ngôi nhưng vẫn thân chinh đi đánh dẹp.
Sẽ thật là toàn mỹ lắm thay nếu như cuối thời làm vua, Minh Tông đừng nghe lời gièm pha, suy nghĩ sáng suốt hơn thì đã tránh gây vụ án oan cực kỳ nghiêm trọng. Dù rằng cuối đời ông đã nhận ra sai lầm của mình, nhưng điều đó đã dẫn tới những hệ lụy rất lớn – mầm mống của sự chia rẽ, diệt vong đồng thời mở ra một thời kỳ cũng khá hy hữu trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam khi có tới bốn hoàng tử của Minh Tông đan xen lẫn nhau kế vị ngôi vua.
Sơ đồ minh họa Một số vị vua và tông thất nhà Trần.
Chuyện xảy ra vào năm 1328, cuối thời làm vua của Hoàng đế Trần Minh Tông; trong khi vua Minh Tông đã có nhiều Hoàng tử với các bà Quý phi, Hoàng phi thì lúc này Hoàng hậu Lệ Thánh (tức bà Hiến Từ Thái hậu về sau) vẫn chưa có lấy một mụn con. Bấy giờ Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn (chú ruột Minh Tông – cũng là cha ruột Hoàng hậu Lệ Thánh) muốn đợi Hoàng hậu có con rồi mới lập Thái tử vì Hoàng hậu thuộc dòng dõi “chính thất” vô cùng cao quý (hoàng hậu là em họ của vua và đều là cháu nội Phật hoàng Trần Nhân Tông). Bên phe “ngoại thất” do Văn Hiến hầu (không rõ tên – là con của Trần Nhật Duật) muốn lập Hoàng tử Vượng (tức vua Trần Hiến Tông về sau) lúc này đã 10 tuổi (là con trai lớn nhất của vua với một bà Phi) lên làm Thái tử nên đã tìm cách hãm hại phe “chính thất”. Văn Hiến hầu đem 100 lạng vàng đút lót cho gia thần nhà Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn, sai vu cáo Quốc Chẩn mưu phản. Minh Tông nghe tâu tin là sự thật, bèn sai bắt Quốc Chẩn giam ở chùa Tư Phúc và … tích cực điều tra. Vua đem việc đó hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung để tỏ rõ thực hư thế nào thì chẳng may Trần Khắc Chung cùng phe với Văn Hiến hầu, gièm pha xin nhà vua loại trừ Quốc Chẩn. Kết cục, Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn bị bỏ đói, Hoàng hậu Lệ Thánh ngậm ngùi lấy áo nhúng nước vắt cho cha uống, uống xong thì chết.
Qua năm sau – năm 1329, vua Trần Minh Tông nhường ngôi cho Hoàng tử Vượng – tức Trần Hiến Tông, còn Minh Tông lên làm Thượng hoàng khi mới 30 tuổi. Vài năm sau vụ án oan chấn động ấy, sự việc bị bại lộ do bà vợ cả của Trần Phẫu (tên gia thần nhận 100 lạng vàng đút lót) vì ganh ghét sự sủng ái của Trần Phẫu với các bà vợ khác nên đã tố cáo sự việc. Bấy giờ Thượng hoàng Minh Tông mới tỏ sự thật, mới hay đã giết nhầm cha vợ – cũng là chú ruột của mình. Trong sự hối hận muộn màng, Minh Tông sai xử Trần Phẫu tội lăng trì (tùng xẻo), Văn Hiến hầu bị giáng làm dân thường, Thiếu bảo Trần Khắc Chung không bị xử nhưng sau khi chết bị gia nô nhà Huệ Vũ vương đào mả, băm vằm xác trả thù. Tới đây, có lẽ sự tranh giành ngôi báu giữa hai dòng “chính thất” và “ngoại thất” sẽ không còn tiếp diễn nếu như đương kim hoàng đế Hiến Tông Trần Vượng – vị vua thứ Sáu vương triều Trần không đột ngột băng hà vào năm 1341 khi đang tuổi 23.
Trong những năm kháng chiến chống đội quân hùng mạnh Nguyên Mông, các vị vua và thượng hoàng triều Trần đã nhiều phen cận kề việc bị giặc bắt đồng nghĩa với cái chết nhưng tất cả họ đều ngoạn mục vượt qua. Thế mà bắt đầu từ thời Trần Hiến Tông thì việc các vị vua còn đương nhiệm đột ngột qua đời, bị phế truất hoặc không có con là chuyện không hề hiếm gặp. Bấy giờ vấn đề chính thất và ngoại thất được đem ra bàn luận trở lại sau khi Hiến Tông bệnh nặng qua đời mà chưa có con. Lúc này Thượng hoàng Minh Tông có rất nhiều con trai, vấn đề là ông sẽ chọn ai trong số các ứng viên sáng giá? Cung Định vương Trần Phủ (tức Trần Nghệ Tông sau này) là người con thứ ba của Minh Tông lúc này đã 20 tuổi, từ nhỏ theo hầu Minh Tông, được Minh Tông khen ngợi tư chất thông minh, văn hay chữ tốt; hay là thể hiện sự ăn năn, chuộc lỗi với Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn bằng việc chọn người thuộc dòng “chính thất” khi bây giờ Hoàng hậu Lệ Thánh đã có hai người con trai?
Năm 1341, thượng hoàng Minh Tông lập người con thứ mười của mình là Trần Hạo (con của Hoàng hậu Lệ Thánh) lên ngôi vua lúc này mới 6 tuổi, lấy hiệu Dụ Tông – vị vua thứ Bảy của vương triều Trần… Nước Đại Việt đến thời Dụ Tông đã trải qua nền thái bình khá lâu, ngót nghét 50 năm; cộng với việc là con cưng nên Dụ Tông quen thói hưởng thụ. Mười năm đầu mọi việc triều chính đều có thượng hoàng Minh Tông lo liệu, đến khi Minh Tông qua đời cùng với việc các cựu thần tài giỏi lần lượt già yếu hoặc mất đi thì việc nước bắt đầu rối loạn, nhà Trần bắt đầu giai đoạn suy thoái. Chu Văn An thấy chính trị bại hoại, dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần (Thất trảm sớ), Dụ Tông không nghe nên Chu Văn An từ quan về núi Chí Linh ở ẩn. Lúc bấy giờ, triều đình thì bê trễ, vua quan chỉ mải mê ăn chơi, nhà vua gọi các nhà giàu trong nước vào cung đánh bạc làm vui, bắt các quan thi nhau uống rượu, uống được nhiều thì thưởng nhiều… còn ở các lộ phủ thì hạn hán lụt bão, mùa màng thất bát triền miên, dân chúng lầm than nên loạn lạc nổi lên như ong. Đặc biệt ở vùng núi Yên Phụ (Hải Dương), Ngô Bệ nổi lên hoành hành suốt trong 16 năm liền, đến năm 1360 mới bị dẹp hẳn.
Trần Dụ Tông từ con người được chờ đợi và đặt nhiều kỳ vọng nhất của Thượng hoàng Minh Tông thì giờ vô cùng bê tha sa đọa đến nỗi chết khi 34 tuổi mà không có con. “Gia tài” mà Trần Dụ Tông để lại cho đời là hai câu chuyện kỳ lạ hiếm hoi khiến không ít người nghe phải bàng hoàng thảng thốt. Chuyện là vào năm 1351, Dụ Tông lúc này đang độ tuổi 15, theo lời thầy thuốc Trâu Canh mà thông dâm với chính chị ruột của mình là Thiên Ninh Công chúa Ngọc Tha để trị chứng liệt dương. Bài thuốc quả nhiên hiệu nghiệm còn Thần y Trâu Canh về sau đạo đức suy đồi nên xém bị giết. Chuyện còn lại diễn ra vào tháng 6 năm 1366, Dụ Tông đi thuyền đến Mễ Sở (Hưng Yên), ông chơi tới canh ba (khoảng từ 23h – 1h sáng hôm sau) mới về. Trên đường về bị cướp trấn lột mất cả ấn và gươm báu – quả là chuyện lạ giữa thời bình.
Như vậy, sau khi vị vua thứ Năm của vương triều Trần là Trần Minh Tông nhường ngôi cho các con lần lượt là Hiến Tông rồi đến Dụ Tông; cho dù một vị thuộc dòng “chính thất” và vị còn lại thuộc dòng “ngoại thất” thì họ vẫn có điểm chung là … đều chết sớm và không có con. Lúc này Thượng hoàng Minh Tông đã mất; thế thì quyền lực bây giờ rơi vào tay ai? Trong số các Hoàng tử còn lại của Thượng hoàng Minh Tông thì ai sẽ là người kế vị – trở thành vị vua thứ Tám của vương triều Trần? Câu chuyện chính thất, ngoại thất trở nên kịch tính hơn bao giờ hết khi máu Trần gia đã nhuộm đỏ hoàng cung; để rồi Cung Định vương Trần Phủ (vua Nghệ Tông về sau) khi lánh nạn ở vùng rừng núi Đà Giang phải thốt lên bằng bài thơ đầy chua xót…
“Ngôi cả gièm nhiều mới bỏ quan,
Né thân, vượt núi, tới sơn man.
Bảy lăng ngoảnh lại châu tuôn chảy,
Muôn dặm đau lòng, tóc bạc lan…”
(Trần Phủ)