Chiến tướng Phạm Ngũ Lão – Huyền thoại nhà Trần
“Quan binh đến…”
Từ xa, tiếng vó ngựa cùng đoàn tùy tùng rầm rập mỗi lúc một gần. Hai bên đường, dân chúng nháo nhào nhường đường cho đoàn quan binh sắp sửa ngang qua.
“Hừmm, tên kia, sao không chịu nhường đường cho tướng quân?”
Chàng thanh niên Phạm Ngũ Lão đang ngồi đan sọt mãi nghĩ về “cuốn sách binh thư”(*) đến độ không hề hay biết ngoài kia là đoàn quân của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đang đến. Người lính dẹp đường quát mãi, chàng trai đan sọt vẫn cứ dửng dưng ngồi yên.
“Hay là nhà ngươi nghĩ rằng mũi giáo của ta không nhọn ư?”
Quát rồi người lính xiên ngay vào đùi kẻ cản đường một mũi giáo, máu chảy đầm đìa một bãi đất. Chàng thanh niên giật mình huơ tay chụp lấy ngọn giáo. Người lính dùng dằng mãi không rút ra được thì Hưng Đạo vương từ tốn tiến lại hỏi đầu đuôi sự việc.
“Chàng trai! Nhà người là ai, sao lại dám cản đường của ta?” – Hưng Đạo vương hỏi.
“Dạ bẩm… Tôi là Phạm Ngũ Lão ở làng Phù Ủng – Hưng Yên ạ.”
Qua đối đáp trôi chảy của chàng thanh niên nông dân, Hưng Đạo vương thầm hiểu rằng đây là ngôi sao mai, đưa về đội của ta ắt sau này sẽ là một vị tướng tài cho triều đình. Thế là Ngũ Lão lọt vào mắt xanh của vị tướng công mà chẳng cần qua khoa cử. Hưng Đạo Vương sai quân lính lấy thuốc chữa trị vết thương rồi cho mời chàng về triều.
Sự xuất hiện của Phạm Ngũ Lão trở thành huyền thoại dân gian – Ảnh: Đuốc Mồi.
Chuyện kể rằng thuở nhỏ ông đã có chí khí khác thường, tính tình khẳng khái. Một ngày nọ trong làng ông ở có người đỗ tiến sĩ, cả làng kéo đến ăn mừng, riêng Ngũ Lão thì không. Người mẹ hỏi: “Con trai! Như vậy là cớ làm sao?” Ngũ Lão thưa: Chí làm trai phải lập công danh rạng rỡ non sông mà con chưa lập được bằng người, đi mừng người ta nhục lắm.
Với tài năng bẩm sinh cùng ý chí sắt đá của mình, lại được đích thân vị Thánh tướng rèn giũa, Phạm Ngũ Lão mau chóng trở thành một trong những vị tướng xuất sắc nhất. Noi gương Hưng Đạo vương, ông huấn luyện quân sỹ rất mực kỷ luật, đối đãi với binh lính như người nhà, cùng đồng cam cộng khổ nên được mọi người mến phục, khen là “Phụ tử chi binh” (đội quân có tình thân thiết như cha con).
Khi quân Nguyên Mông hai lần mang đại binh sang xâm lấn trong những năm 1285, 1287 – 1288, ông đã mưu trí chỉ huy quân sỹ lập nhiều chiến công. Tháng Sáu năm 1285, ông cùng Hoàng tử Trần Quang Khải, tướng tuổi teen Trần Quốc Toản đã đập cho tan tành đội binh thuyền khổng lồ của giặc ở bến Chương Dương, Hàm Tử. Nhờ giành thắng lợi ở trận đại chiến quyết định này mà sau đó quân nhà Trần đã tấn công giải phóng Kinh thành Thăng Long, đuổi Thoát Hoan phải hộc tốc vượt sông Hồng chui vào ống đồng mà trối chạy về nước.
Ở cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ Ba năm 1287, Phạm Ngũ Lão cùng các tướng bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng, bắt sống các tướng nhà Nguyên là Phàn Tiếp, Ô Mã Nhi. Sang tháng Tư năm 1288 ông cùng Nguyễn Chế Nghĩa chặn đường rút lui của Thoát Hoan ở ải Nội Bàng, giết chết rất nhiều quân tướng giặc, Thoát Hoan lại phải liều chết lần nữa trốn chạy mới thoát thân.
Hình minh họa.
Cùng hai lần đánh tan quân xâm lược hung bạo Nguyên Mông, ông còn nhiều lần đánh dẹp quân Ai Lao và quân Chiêm Thành cũng như các tù trưởng phản loạn nơi biên giới, trở thành vị tướng xuất sắc nhất nhà Trần mà không xuất thân từ Hoàng tộc. Hưng Đạo vương vì cảm phục tài năng và ý chí của Ngũ Lão nên giáng con gái cưng là Quận chúa Nguyên Anh xuống làm con nuôi rồi gả cho Phạm Ngũ Lão để được danh chính ngôn thuận ( vì nhà Trần có quy định chỉ gả con gái trong dòng tộc).
Ông mất năm 1320, thọ 66 tuổi, cuộc đời binh nghiệp phò tá cả thảy ba đời vua. Với những chiến công to lớn của mình, ông được phong Điện súy Thượng tướng quân, về sau được thăng tước Quan nội hầu.
Mặc dù không lớn lên trong hoàng cung, không xuất thân từ hoàng tộc nhưng cũng giống như các chiến tướng nhà Trần khác, thường văn võ song toàn. Nếu Trần Quốc Tuấn có Hịch tướng sỹ, Trần Quang Khải có bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư thì Phạm Ngũ Lão có bài thơ Thuật hoài (Tỏ lòng) nổi tiếng:
Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
Dịch nghĩa:
Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,
Ba quân như gấu hổ, át cả sao Ngưu Đẩu.
Thân nam nhi nếu chưa trả xong nợ công danh,
Ắt thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.
Dịch thơ:
Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí mạnh át sao Ngưu
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.
(*) Để khích lệ quân sỹ quyết tâm đánh giặc, Hương Đạo Vương một mặt cho phân phát “Binh thư yếu lược”, mặt khác cho truyền bá rộng rãi “Hịch tướng sỹ” đều do đích thân ông viết.