Kỳ nữ Chiêm Dao Luật – Ba lần cầm chân quân chúa Nguyễn

     Lại nói về chuyện “Hổ oai Tướng quân” Hoàng Tiến còn đang chần chừ chưa chịu xuất binh. Lúc này Chính vương Nặc Thu nước Chân Lạp đã dựng sẵn ba lũy Bích Đôi, Cầu Nam và Nam Vang cùng việc chằng xích lớn ngang cửa sông cũng như nhiều biện pháp phòng thủ khác. Thế nhưng thành lũy vững chãi chưa bao giờ đồng nghĩa với việc đảm bảo sự tồn vong của đế chế phía sau nó, nhất là khi bây giờ đoàn quân của chúa Nguyễn đã kéo vào đóng tại Mỹ Tho, trực tiếp nhả hơi nóng về phía Chính vương nước Chân Lạp.

     Tin do thám báo về, vua chính nước Chân Lạp là Nặc Thu nhận thấy ngày chiến sự bùng nổ không còn bao xa; e dè sức mạnh của đoàn quân chúa Nguyễn, Nặc Thu dụng kế trì hoãn…

     Từ xa xưa, kế trì hoãn thông thường là sai người đem của đút lót thế nhưng lợi hại thì không gì bằng kế mỹ nhân. Bấy giờ ở nước Chân Lạp có một kỳ nữ tên là Chiêm Dao Luật – một người con gái gốc Chiêm Thành có tài biện luận và đặc biệt… rất đẹp. Vua Nặc Thu bèn sai nàng Dao Luật đem của báu đến dinh “Hổ oai Tướng quân” Hoàng Tiến nói rằng:

     “Tướng quân ở đất Chân Lạp đã lâu năm. Người xưa ăn một bữa cơm cũng phải báo ơn. Nay nghe tướng quân vâng mệnh đánh Chân Lạp, trộm nghĩ không khen tướng quân đâu.

     Hoàng Tiến đáp: “Vạn Long ngày nay triệu ta, thực chẳng có thành tâm, chẳng qua cũng chỉ là muốn bắt ta trước, rồi sau sẽ diệt Nặc Thu mà thôi. Lẽ nào ta lại bị nó đánh lừa. Về nói với chúa mày đừng ngờ!” Thế là Hoàng Tiến bất tuân lệnh chúa Nguyễn, bèn đóng chặt quân giữ chỗ hiểm mà không chịu động binh.

     Vậy là đội Chân Lạp đã ngăn chặn được một pha triển khai tấn công ngay từ phần sân của đội chúa Nguyễn. Bên ngoài đường piste, huấn luyện viên Mai Vạn Long trông tiền đạo Hoàng Tiến đá như gà mắc tóc; nổi máu, liền xỏ giày vào sân thi đấu máu lửa đồng thời không quên sai đàn em truy sát cả nhà Hoàng Tiến.

     Tổng binh Mai Vạn Long sau khi tiêu diệt phe cánh nổi loạn của “Hổ oai tướng quân” Hoàng Tiến, sẵn đà đánh luôn Chính vương Nặc Thu của nước Chân Lạp. Bao nhiêu chướng ngại do Nặc Thu dựng lên trước đây đều bị Mai Vạn Long dễ dàng xuyên thủng, liên tiếp lấy được ba lũy Bích Đôi, Cầu Nam và Nam Vang khiến vua Nặc Thu hoảng sợ phải lùi sâu về kinh thành Long Úc cố thủ (ngày nay anh em book vé đi Phnom Penh rồi đi tiếp lên phía tây bắc chừng 35km nữa là đến cố đô Oudong – nơi còn lưu dấu của thành Long Úc ngày xưa). Mai Vạn Long hăng hái cố bắt cho bằng được Nặc Thu thì bỗng sấm sét đùng đùng nổi lên gây một trận mưa lớn. Thống binh Mai Vạn Long muốn đóng quân ở bờ sông Cái, chờ qua cơn thịnh nộ rồi đánh tiếp thì Cai cơ Nguyễn Thắng Sơn can rằng:

     “Không được đâu đại ca! Chân Lạp là đất nhiều rừng rú, nước sông lại đang chảy xiết, ta đóng quân ở đấy, lỡ khi quân địch kết bè ở thượng lưu thả xuống cùng quân trong rừng xông ra đánh úp thì chúng ta lấy gì mà chống? Chi bằng hãy rút quân về bản doanh để chứa oai nuôi sức rồi hẳn đánh cũng chưa muộn”. Thống binh nghe lời, bèn cho lui quân.

     Bấy giờ vua Nặc Thu mới thở phào nhẹ nhõm, liền sai Nặc Sa đem lễ vật đến doanh trại Mai Vạn Long cầu hoãn binh; Thống binh Vạn Long nổi giận hét lớn “Hoang đường” rồi sai người bắt giam sứ giả Chân Lạp. Ở trong kinh thành, vua Nặc Thu nóng ruột ngóng trông mà chẳng thấy Nặc Sa trở về, bèn cử nữ sứ giả Chiêm Dao Luật đem vàng lụa đến hiến. Bấy giờ Mai Vạn Long mới vặn hỏi: “Nước mày không chịu cống hiến, lại đắp thành dựng lũy là cớ làm sao?” Người đẹp Chiêm Dao Luật từ tốn thưa rằng: “Tiểu quốc ngày trước dâng cống đều bị Hoàng Tiến cướp hết. Lại khổ vì họ chặn đường quấy nhiễu, cho nên phải mưu giữ mình thôi, chứ nào đâu có ý làm phản.” Mai Vạn Long theo lời, cho là phải, bèn sai người thảo tờ hịch bắt Dao Luật và Nặc Sa đem về đưa cho Nặc Thu, bảo rằng: “Loạn Hoàng Tiến tao diệt rồi. Chúng mày mau mau cống nạp đầy đủ lễ vật mấy năm nay còn thiếu.”

     Kể từ hôm quân chúa Nguyễn để đoàn sứ giả Chân Lạp về nước đến nay đã hơn một tháng, cũng quá già thời gian rồi mà chưa thấy lễ vật đến. Mai Vạn Long sinh ngờ nên cho họp các tướng lại bàn. Hữu vệ Nguyễn Tân Lễ nói: “Quân chúa đi dẹp loạn, cốt yếu là bắt cho kẻ làm phản phải phục. Nay nước sông đang chảy mạnh, chiến thuyền đi ngược không tiện, chớ có khinh địch mà tiến quân. Huống chi quân ta lại không quen thủy thổ. Hãy cứ đóng quân chờ thời cơ, đó mới là thượng sách.”

     Trong khi Thống binh Mai Vạn Long khen là phải thì Cai cơ Nguyễn Thắng Sơn lại cho rằng: “Chân Lạp trước nay hay phản phúc dối trá, không gì bằng đánh gấp đi, chớ nên ngồi đợi để cho già quân đi à?” Mai Vạn Long lại nói: “Làm tướng cốt lấy ân tín làm trọng, không phải lấy chém giết là oai. Ta muốn đem thành tín để phục người Chân Lạp, họ đã hàng phục thì còn chiến đấu làm gì.” Nói rồi cho các tướng chia binh đi vỡ đất cày cấy mà lơ là trong việc tấn công Nặc Thu. 

     Sự việc Thống binh Mai Vạn Long dụng binh trễ nải được Cai cơ Nguyễn Thắng Sơn mật báo về chúa Nguyễn, chúa Nguyễn Phúc Trăn lập tức sai Nguyễn Hữu Hào, một viên tướng dạn dày trận mạc vào lãnh chức Tổng binh, lập Cai cơ Nguyễn Thắng Sơn làm tiên phong, tuyển thêm quân ở các dinh tại Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận để tiến đánh Chân Lạp; bãi chức Mai Vạn Long giáng làm thứ dân.

Ảnh minh họa.

     Nguyễn Hữu Hào lĩnh chức Tổng binh đóng quân ở lũy Bích Đôi, bày binh bố trận, thủy bộ dựa nhau, quân lệnh nhịp nhàng nghiêm chỉnh, binh tướng ai nấy cũng trầm trồ khen tài năng “đúng là Hổ phụ sinh Hổ tử” bởi ông là con của đại công thần Nguyễn Hữu Dật – vị danh tướng Đàng Trong có công phò tá nhiều đời chúa Nguyễn, đẩy lùi nhiều cuộc Nam tiến của quân chúa Trịnh, giữ vững lãnh thổ Đàng Trong.

     Tháng 5 năm 1690, Thống binh Nguyễn Hữu Hào theo lệnh chúa Nguyễn, sai người sang Chân Lạp đòi lễ vật 50 con voi đực, 500 lạng vàng, 2000 lạng bạc, 50 tòa tê giác, đem đủ lễ vật đến tạ thì mới rút quân về, bằng không thì phải tiến đánh gấp. Vua Nặc Thu lại dụng kế cũ, tiếp tục cử người đẹp Chiêm Dao Luật mang dê – vàng – lụa đến hiến. Nguyễn Hữu Hào lần đầu trông thấy kỳ nữ Chân Lạp, nhoẻn miệng cười rằng: “Nay mày lại muốn đến làm thuyết khách nữa ư? Ta không phải như Vạn Long đâu.” Dao Luật khẽ nói:

     “Nước nhỏ thờ nước lớn cũng như con thờ cha, đâu dám có lòng gì khác. Bữa nọ nước tôi đương sửa soạn lễ cống thì chợt thiên sứ đến nên chưa sắm đủ thôi. Xin tướng quân rộng cho một tuần nữa, đâu dám trái lệnh”. Hay cho câu nói “Ta không giống như Vạn Long đâu”. Ấy thế mà người đẹp chỉ vài lời nỉ non đã khiến Hữu Hào xiêu lòng muốn cho nhưng Cai cơ Nguyễn Thắng Sơn can rằng:

     “Chân Lạp lừa dối, nhiều mánh khóe không thể tin được, gương Mai Vạn Long không xa. Chẳng bằng đánh đi.” 

     Hữu Hào lại nói: “Họ đã về với ta mà ta lại đánh, đó là bắt chẹt người trong lúc nguy, không phải là võ. Huống chi Nặc Thu ngày nay như chim đã mắc lưới, còn lo gì nó lừa dối.” Nói rồi cho thả người đẹp về. 

     Nặc Thu liền sai sứ là A Lặc Thi đem 20 thớt voi nhỏ, 100 lạng vàng, 500 lạng bạc đến hiến. Hữu Hào thu nhận. Từ đó Nặc Thu thường sai Chiêm Dao Luật tới doanh trại Nguyễn Hữu Hào van lơn khiến Hữu Hào tin lời, ngày càng xa rời nhiệm vụ tấn công Chân Lạp. Thị chiến Diệu Đức nói: “Vàng – bạc – tê – tượng đều là thổ sản của Chân Lạp, nay hiến bằng ấy, thực không phải chân tình, chi bằng cứ đánh”. Hữu Hào lại bảo: “Yên vỗ người xa, quý lễ mà không quý vật. Người xưa chỉ cống cỏ tranh, nào có phẩm vật gì” Diệu Đức nghe thế không trả lời nữa. Từ đó Hữu Hào cùng các tướng không được hòa hiệp. Thế rồi sự việc một lần nữa được Cai cơ Nguyễn Thắng Sơn ngầm báo về chúa Nguyễn, chúa cả giận bảo:“Hữu Hào cũng tội như Vạn Long, hãy đợi đem quân về sẽ hỏi tội.”

     Mùa thu tháng Tám, quân về tới nơi, Thắng Sơn kể hết sự trạng Nguyễn Hữu Hào chần chừ làm hỏng việc quân. Chúa Nguyễn Phúc Trăn sai tước bỏ quan chức của Hữu Hào, truất làm thứ dân nhưng qua năm sau thì được chúa mới lên ngôi là Nguyễn Phúc Chu cho phục chức Cai cơ, sau được thăng Chưởng cơ làm Trấn thủ Quảng Bình.

     Trong dân gian có giai thoại rằng: Một hôm Nguyễn Hữu Hào bị điều đi làm phu đắp đê thì gặp Mai Vạn Long đang ung dung ngồi câu cá. Mai Vạn Long hắng giọng lên tiếng trước: “Này! Ta nghe ông nói cứng lắm mà, nói với Dao Luật rằng Ta không phải như Vạn Long đâu! Cớ sao giờ lại ra thế này?” Nguyễn Hữu Hào đưa tay áo lên trán lau vệt mồ hôi rồi cười nói: “Phải, tôi và ông nay đều là thứ dân, nhưng ông vì tham vàng lụa, còn tôi lại tham nhân nghĩa, tưởng giống nhau vậy mà rất khác nhau…” 

     Như vậy với con bài Chiêm Dao Luật, Chính vương Nặc Thu nước Chân Lạp đã khôn khéo nhiều lần cầm chân được quân chúa Nguyễn mà không phải hao binh tổn tướng. Nhưng như các quan tướng chúa Nguyễn nhận định “Chân Lạp dối lừa, nhiều mánh khóe không thể tin được”; một lần nữa Nặc Thu làm phản. Nhưng lần này bên phía quân chúa Nguyễn xuất hiện một con người rồi sẽ “mặc nhung phục đứng trên đầu thuyền, vung gươm vẫy cờ” cũng khiến cho Nặc Thu cả sợ mà đầu hàng để rồi không bao lâu nữa toàn bộ vùng Nam Bộ ngày nay được định hình vào lãnh thổ Đàng Trong; ấy chính là vị đại công thần Nguyễn Hữu Cảnh – em trai vị Thống binh Nguyễn Hữu Hào năm xưa…

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *